0Giỏ hàng Khiếu nại 028.39505060 Hotline bán hàng 1900 2628 Tư vấn kỹ thuật 1900 2638
Danh mục sản phẩm

Cách làm bánh đúc mặn thơm ngon chuẩn vị 3 miền

Tác giả: Quốc TrọngNgày cập nhật: 15/04/202546
 

Bạn đang tìm kiếm một công làm bánh đúc thơm ngon, chuẩn vị? Món ăn giản dị này không chỉ là một bữa xế quen thuộc mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa ẩm thực của từng vùng miền Việt Nam. Hãy cùng khám phá cách làm bánh đúc mặn độc đáo của miền Bắc thanh tao, miền Trung đậm đà, cay nồng và miền Nam béo ngậy để bạn có thể tự tay chế biến hương vị yêu thích ngay tại nhà.

Khám phá cách làm bánh đúc mặn thơm ngonHướng dẫn cách làm bánh đúc mặn chuẩn vị 3 miền

1. Bánh đúc mặn miền Bắc

1.1. Nguyên liệu

  • 150g bột gạo tẻ
  • 150g bột năng
  • 700ml nước lọc
  • 200g thịt heo xay
  • 3-4 tai mộc nhĩ
  • 3-4 cái nấm hương khô
  • Hành khô, tỏi, ớt
  • Gia vị: Muối, dầu ăn, nước mắm, tiêu xay, hạt nêm, đường

Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh đúc mặn miền BắcNguyên liệu làm bánh đúc mặn miền Bắc

1.2. Cách làm

Bước 1: Chuẩn bị bột bánh

  • Trộn đều bột gạo tẻ, bột năng và muối trong một nồi lớn. Từ từ thêm nước lọc vào, khuấy đều cho bột tan hoàn toàn, không còn vón cục.
  • Để bột nghỉ khoảng 30 phút (bước này giúp bánh được dẻo hơn).

Công đoạn trộn đều bột gạo, bột năng và muối trong 1 nồi lớnChuẩn bị bột làm bánh đúc

Bước 2: Chuẩn bị nhân bánh

  • Mộc nhĩ và nấm hương ngâm nước ấm cho nở mềm, rửa sạch, thái nhỏ. Hành khô, tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.
  • Đặt chảo lên bếp, cho hành tỏi băm vào phi thơm. Phi đến khi tỏi có mùi thơm và hơi ngả vàng. Tiếp đó, cho thịt heo xay vào chảo, đảo đều đến khi thịt săn lại. Thêm mộc nhĩ và nấm hương đã thái vào chảo thịt. Đảo đều để các nguyên liệu hòa quyện vào nhau.
  • Nêm thêm 2 muỗng canh nước mắm, ½ muỗng cà phê tiêu xay và 1 muỗng cà phê hạt nêm (tùy khẩu vị). Khi nhân đã vừa miệng, tắt bếp. Để riêng nhân đã xào.

Tiến hành công đoạn làm nhân cho bánh đúcLàm nhân bánh đúc

Bước 3: Pha nước chấm

  • Pha nước mắm, đường, nước cốt chanh theo tỷ lệ tùy khẩu vị (thường là 2 nước mắm : 2 đường : 1 chanh hoặc điều chỉnh cho vừa miệng).
  • Thêm tỏi và ớt băm vào. Nêm nếm cho vừa khẩu vị.

Công đoạn pha nước chấm cho bánh đúcNước chấm cho món bánh đúc

Bước 4: Nấu bánh

Đặt nồi bột lên bếp, đun với lửa vừa và nhỏ. Khuấy đều tay liên tục để bột không bị cháy ở đáy nồi và bánh được mịn. Khi bột bắt đầu sánh lại, tiếp tục khuấy cho đến khi bột trong, dẻo và không còn màu trắng đục của bột sống. Thêm 1 muỗng canh dầu ăn (hoặc mỡ nước) vào, khuấy đều rồi tắt bếp.

Đặt nồi bột lên bếp, đun với lửa vừa và nhỏNấu bánh đúc trên lửa nhỏ

Bước 5: Thưởng thức

Đổ bánh đúc ra khuôn hoặc bát, để nguội. Khi ăn, cắt bánh thành miếng vừa ăn, gắp nhân thịt lên trên và chan nước mắm chua ngọt.

Thành phẩm món bánh đúc mặn miền bắc thơm ngonMón bánh đúc mặn miền bắc thơm ngon hấp dẫn

2. Bánh đúc mặn miền Trung

2.1. Nguyên liệu

  • 150g bột gạo tẻ
  • 50g bột năng
  • 500ml nước lọc
  • 50ml nước cốt dừa
  • 100g thịt ba chỉ (hoặc thịt nạc vai)
  • 50g tôm tươi
  • Hành tím, tỏi
  • Chả lụa, nem chua
  • Gia vị: Nước mắm, đường, muối, nước cốt chanh

Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh đúc mặn miền TrungNguyên liệu cần có để làm bánh đúc mặn miền Trung

2.2. Cách làm

Bước 1: Chuẩn bị bột bánh

Trong một nồi, trộn đều bột gạo tẻ, bột năng và muối. Sau đó, từ từ thêm nước lọc (và nước cốt dừa nếu dùng), vừa thêm vừa khuấy đều cho bột tan hoàn toàn, đảm bảo không còn vón cục. Để bột nghỉ khoảng 15-20 phút trước khi tiến hành bước nấu hoặc hấp.

Cho bột gạo tẻ, bột năng và muối vào một nồi lớn và trộn đềuChuẩn bị phần bột bánh

Bước 2: Chuẩn bị nhân bánh

  • Tôm tươi sau khi bóc vỏ và bỏ đầu sẽ được chẻ lưng để loại bỏ chỉ đen, sau đó thịt ba chỉ được thái hạt lựu, hành tím và tỏi băm nhỏ, còn ớt thì tùy chọn thái lát hoặc băm.
  • Tiếp theo, phi thơm hành tỏi trong chảo rồi cho thịt vào xào săn, sau đó thêm tôm vào xào chung đến khi tôm chín và chuyển màu, nêm khoảng ½ muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê đường, ½ muỗng cà phê tiêu và lượng ớt tùy khẩu vị, sau đó rim nhân cho đậm đà.
  • Thái nem chả thành những miếng vừa ăn.

Phi thơm hành và cho các nguyên liệu đảo đều làm nhân bánhPhần nhân bánh chuẩn vị miền Trung

Bước 3: Hấp bánh

Để hấp bánh, đổ hỗn hợp bột đã chuẩn bị vào từng chén nhỏ hoặc khuôn nhỏ đã được thoa một lớp dầu mỏng. Sau đó, xếp cẩn thận các chén hoặc khuôn chứa bột bánh vào xửng hấp. Đậy kín nắp và hấp trong khoảng 15 đến 20 phút đến khi bánh chuyển sang màu trong và không còn đục màu bột.

Tiến hành công đoạn cho bột vào chén và hấp trong xửngCác công đoạn hấp bánh

Bước 4: Pha nước chấm

Cho khoảng 2 muỗng canh nước mắm ngon, 1 muỗng canh đường, và 1 muỗng canh nước cốt chanh. Khuấy đều cho đường tan hết, sau đó thêm 1 muỗng cà phê tỏi và 2 muỗng cà phê ớt băm. Nếm thử và điều chỉnh lại cho vừa miệng.

Làm nước mắm đậm đà chấm bánh đúcNước chấm chua cay, bùng vị

Bước 5: Thưởng thức

Khi bánh đúc chín, cho bánh ra bàn, sau đó xếp phần nhân rim đậm đà đã chuẩn bị lên trên, ăn kèm nem chả đã thái sẵn. Cuối cùng, chan đều nước mắm ớt tỏi đã pha và thưởng thức.

Thành phẩm món bánh đúc mặn miền Trung đậm vị quê hươngMón bánh đúc mặn miền Trung đậm vị quê hương

3. Bánh đúc mặn miền Nam

3.1. Nguyên liệu

  • 100g bột gạo
  • 15g bột năng
  • 200ml nước cốt dừa
  • 300ml nước lọc
  • 1/2 muỗng cà phê muối
  • 180g thịt heo xay
  • 1 củ sắn nhỏ
  • 1/2 củ cà rốt
  • Tỏi, hành lá,hành tím
  • Gia vị: Hạt nêm, tiêu xay, bột ngọt, muối, nước mắm, đường

Chuẩn bị các nguyên liệu làm bánh đúc mặn miền NamNguyên liệu chính món bánh đúc mặn miền Nam

3.2. Cách làm

Bước 1: Chuẩn bị bột bánh

Trộn đều hỗn hợp 100g bột gạo, 15g bột năng và 1 muỗng cà phê muối. Sau đó, từ từ rót 200ml nước cốt dừa, 300ml nước lọc và một ít dầu ăn vào, vừa rót vừa khuấy đều cho bột tan hoàn toàn, không còn vón cục. Để bột nghỉ khoảng 30 phút trước khi tiến hành hấp.

Bước 2: Hấp bánh

  • Thoa một lớp dầu mỏng vào đáy và thành khuôn để chống dính. Tiếp theo, đổ khoảng một phần ba lượng bột đã chuẩn bị vào khuôn và tiến hành hấp trong khoảng 7 phút.
  • Sau đó, mở nắp nồi, đổ tiếp một phần ba lượng bột còn lại vào khuôn và hấp thêm 7 phút nữa. Hấp bánh tổng cộng khoảng 15-20 phút hoặc đến khi bánh chín trong, không còn màu trắng đục.
  • Cuối cùng, để bánh nguội và lấy ra khỏi khuôn.

Cho bột đã sơ chế vào trong khuôn và hấp bánhCác công đoạn hấp bánh

Bước 3: Chuẩn bị nhân bánh

  • Củ sắn và cà rốt sau khi gọt vỏ sẽ được thái hạt lựu nhỏ, hành tím và tỏi bóc vỏ băm nhỏ, hành lá rửa sạch thái nhỏ.
  • Tiếp theo, phi thơm hành tỏi băm trong chảo với một ít dầu ăn, sau đó cho thịt heo xay vào xào đến khi săn lại. Thêm củ sắn và cà rốt đã thái hạt lựu vào xào chung khoảng 3 phút.
  • Nêm nếm gia vị gồm 1 muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng cà phê tiêu xay, một ít muối và 1 muỗng canh nước mắm. Cuối cùng, rắc hành lá đã thái nhỏ lên trên rồi tắt bếp.

Tiến hành công đoạn làm nhân bánhQuy trình làm nhân bánh đúc mặn

Bước 4: Pha nước chấm

  • Hòa tan khoảng 2 muỗng cà phê đường vào khoảng 3 muỗng canh nước ấm. Tiếp đó, thêm vào khoảng 3 muỗng canh nước mắm và 1 muỗng canh nước cốt chanh, khuấy đều.
  • Cuối cùng, thêm tỏi và ớt băm tùy theo sở thích. Nếm thử và điều chỉnh lại lượng cho vừa khẩu vị.

Pha nước chấm cho bánh đúc mặn Miền NamNước chấm chua ngọt đậm vị miền Nam

Bước 5: Thưởng thức

Khi bánh đúc đã nguội và lấy ra khỏi khuôn, cắt thành những miếng vừa ăn. Sau đó, gắp phần nhân thịt xào thơm lên trên mỗi miếng bánh. Cuối cùng, dọn bánh ra đĩa và thưởng thức cùng nước mắm chua ngọt đậm đà.

Thành phẩm bánh đúc mặn miền Nam béo ngậyBánh đúc mặn miền Nam béo ngậy

4. Cách chọn nguyên liệu khi làm bánh đúc mặn

Để món bánh đúc mặn đạt độ mềm mịn, béo bùi và đậm đà đúng vị, khâu chọn nguyên liệu đóng vai trò rất quan trọng:

  • Bột gạo: Nên chọn loại bột gạo tẻ nguyên chất, có nguồn gốc rõ ràng. Bột ngon thường có màu trắng ngà tự nhiên, mịn và không bị vón cục. Nếu muốn bánh dẻo hơn, có thể pha thêm một phần nhỏ bột năng hoặc bột bắp.
  • Thịt xay: Dùng thịt heo vai xay hoặc nạc dăm để có độ béo vừa phải, giúp phần nhân bánh đậm đà mà không bị khô. Tránh chọn thịt quá nạc vì dễ làm nhân bị bã, thiếu độ ngậy.
  • Tôm: Chọn tôm đất hoặc tôm thẻ tươi, vỏ cứng, thịt chắc, không có mùi hôi. Có thể giã nhỏ hoặc băm nhuyễn để làm nhân tùy theo khẩu vị.
  • Nấm mèo (mộc nhĩ): Nấm khô nên ngâm nước ấm khoảng 15 phút cho nở mềm rồi rửa sạch cát. Chọn loại tai dày, màu nâu sẫm, không có vết mốc hay mùi lạ.

Để bánh đúc ngon thì chọn nguyên liệu rất quan trọngCách chọn nguyên liệu khi làm bánh đúc mặn

Với những hướng dẫn chi tiết trong bài viết, hy vọng bạn đã tìm được cách làm bánh đúc mặn chuẩn vị 3 miền phù hợp với khẩu vị của mình. Dù là bánh đúc miền Bắc thanh nhẹ, miền Trung đậm đà hay miền Nam béo ngậy, mỗi công thức đều mang một nét đặc trưng rất riêng. Đừng ngần ngại vào bếp và thử ngay món ngon truyền thống này để đổi vị cho bữa ăn gia đình. Chúc bạn thực hiện thành công và có những khoảnh khắc ấm áp bên mâm cơm nhà!

Đừng quên theo dõi Góc tư vấn của Điện Máy Chợ Lớn để biết thêm nhiều công thức nấu ăn ngon ngày tại nhà bạn nhé!

Siêu Thị Điện Máy - Nội Thất Chợ Lớn

Từ khóa

Tải app Dienmaycholon

Tải app theo dõi thông tin đơn hàng và hàng ngàn voucher giảm giá dành cho bạn.

banner-app
app_storeapp_store