Màng lọc Hepa là bộ phận rất quan trọng trong máy hút bụi hoặc máy lọc không khí, giúp không gian sống trở nên sạch sẽ và trong lành hơn. Vậy màng lọc Hepa có rửa được không? Làm thế nào để vệ sinh màng lọc Hepa đúng cách và hiệu quả nhất?
Công nghệ Hepa được phát triển vào năm 1940 nhằm mục đích lọc các hạt phóng xạ trong không khí gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, màng lọc Hepa được cấu tạo từ các sợi thuỷ tinh có kích thước khoảng 0,5 - 2 micromet và sắp xếp chồng lên nhau như một chiếc lưới.
Máy hút bụi hoặc máy lọc không khí có màng lọc HEPA sẽ có chức năng giữ lại các hạt bụi mịn với kích thước siêu nhỏ (0,3 micromet), giữ lại mùi khói thuốc, các chất gây dị ứng hoặc thậm chí là các hạt bụi mà mắt thường không thể nhìn thấy; giúp trả lại không khí trong lành, bảo vệ hệ hô hấp và sức khỏe của con người.
Về tuổi thọ, các loại màng lọc Hepa hiện nay thường có thời gian sử dụng trung bình 9 - 12 tháng.
Màng lọc Hepa được cấu tạo từ nhiều sợi thuỷ tinh cực nhỏ xếp chồng lên nhau.
Trên thị trường hiện nay có 2 loại màng lọc Hepa, bao gồm:
- Loại màng lọc Hepa rửa được:
Đối với màng lọc Hepa rửa được, bạn cần vệ sinh định kỳ 2 – 3 tháng/lần để duy trì hiệu quả hoạt động và kéo dài tuổi thọ. Bên cạnh việc vệ sinh màng lọc, bạn cũng cần lưu ý thay mới nếu màng lọc đã qua 1 - 2 năm sử dụng (hoặc theo thời gian mà nhà sản xuất chỉ định).
- Loại màng lọc Hepa không rửa được:
Đối với loại màng lọc này, bạn không thể vệ sinh, mà chỉ có thể thay mới nếu nó bị bẩn. Thời gian thay thế màng lọc Hepa phụ thuộc vào tần suất sử dụng thiết bị, nhưng thông thường là 1 - 2 năm sau khi sử dụng, nhằm giúp thiết bị vận hành tốt hơn.
Nếu thiết bị sử dụng loại màng lọc Hepa không rửa được thì cần thay mới sau một thời gian sử dụng.
Sau khi giải đáp được thắc mắc màng lọc Hepa có rửa được không, nếu thiết bị sử dụng loại rửa được, bạn có thể vệ sinh sạch sẽ bộ phận này theo các bước sau đây:
- Chọn thời điểm và vị trí thích hợp
Sau khi vệ sinh màng lọc Hepa, bạn cần chờ khoảng 4 tiếng để phơi khô dưới thời tiết nắng ráo rồi mới có thể lắp vào thiết bị. Nếu vệ sinh trong ngày ẩm ướt, màng lọc sẽ lâu khô mà còn có thể dễ sinh ẩm mốc. Do đó, bạn nên lựa chọn những ngày nắng ráo để vệ sinh màng lọc Hepa.
Màng lọc là bộ phận chứa nhiều bụi bẩn, vi khuẩn hoặc tác nhân gây dị ứng tích tụ trong thời gian dài sử dụng. Bởi vậy, bạn nên lựa chọn vị trí thông thoáng để tháo gỡ và vệ sinh màng lọc Hepa nhằm tránh tình trạng vi khuẩn, nấm mốc tái xâm nhập vào trong quá trình lau rửa.
- Mở nắp và tháo màng lọc HEPA
Bộ phận này được cấu tạo từ các sợi thuỷ tinh vô cùng nhỏ nên bạn cần dùng tay để mở nắp và tháo màng lọc Hepa một cách nhẹ nhàng trong quá trình vệ sinh.
- Cách hút bụi màng lọc
Sau khi tháo màng lọc, bạn sử dụng chổi quét bụi lông mềm hoặc máy hút bụi mini để loại bỏ bụi bẩn tích tụ lâu ngày.
Bạn sử dụng máy hút bụi mini để loại bỏ bụi bẩn bám trên màng lọc Hepa.
- Rửa nhẹ nhàng dưới vòi nước
Sau khi hút bụi, bạn sử dụng một chiếc khăn ướt (có thể thêm ít nước tẩy rửa nhẹ) để lau sạch màng lọc Hepa. Đối với các khu vực bụi bẩn bám chặt, bạn có thể đặt màng lọc dưới vòi nước chảy nhẹ (tuyệt đối không dùng nước nóng) để vệ sinh. Sau đó, bạn dùng khăn hoặc chổi mềm để loại bỏ hoàn toàn những bụi bẩn đó.
- Phơi khô màng lọc
Như đã nói ở trên, bạn cần phơi khô màng lọc dưới ánh nắng mặt trời trong khoảng 4 giờ để các tia UV tiêu diệt những vi khuẩn còn sót lại. Nếu trời thiếu nắng, bạn có thể sử dụng khăn mềm thấm khô phần nước đọng lại trên màng lọc. Sau đó, bạn đưa máy sấy vào cách màng lọc tối thiểu khoảng 3 - 5cm rồi bật chế độ nhẹ nhất để sấy khô.
Sau khi vệ sinh xong, bạn nhẹ nhàng lắp màng lọc vào máy hút bụi theo trình tự ngược lại các bước khi tháo ra sao cho đúng kỹ thuật. Đồng thời, bạn cần lưu ý mặt trước, mặt sau và các chiều của màng lọc để lắp đặt chính xác.
Bạn cần lắp màng lọc trở về thiết bị sao cho đúng vị trí và kỹ thuật.
Sau khi biết được cách vệ sinh màng lọc Hepa, bạn cần ghi nhớ một vài lưu ý trong quá trình thực hiện như sau:
- Tuyệt đối không ngâm màng lọc Hepa trong nước hoặc cho vào máy giặt với tác động mạnh bởi có thể làm xê dịch kết cấu đan sẵn. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả làm sạch không khí của màng lọc Hepa.
- Không vệ sinh kèm các chất tẩy rửa quá mạnh vì sẽ làm giảm tuổi thọ của màng lọc Hepa.
- Không dùng các dụng cụ sắc nhọn để vệ sinh bởi sẽ khiến màng lọc bị hư hỏng.
- Khi bạn cảm thấy bộ lọc HEPA bị quá bẩn mà không thể vệ sinh triệt để thì nên đầu tư vào một bộ lọc mới.
Bạn cần thay mới màng lọc Hepa sau 1 - 2 năm sử dụng để thiết bị vận hành tốt hơn.
Hy vọng sau bài viết, bạn có thể biết cách rửa màng lọc Hepa trong máy hút bụi hoặc máy lọc không khí giúp cho thiết bị vận hành hiệu quả, mang lại không gian sạch sẽ cho cả nhà. Chúc bạn thực hiện thành công nhé!
Bài viết này có giúp ích cho bạn không?
Tải app theo dõi thông tin đơn hàng và hàng ngàn voucher giảm giá dành cho bạn.