Đại Lễ Phật Đản: Ý Nghĩa, thời gian tổ chức và hoạt động
Tác giả: Tuyết NgânNgày cập nhật: 06/05/202566Tác giả: Tuyết Ngân15402
Đại Lễ Phật Đản là một trong những ngày lễ trọng đại nhất của Phật giáo. Tại Việt Nam, sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo mà còn là cơ hội lan tỏa tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa bình. Năm 2025, Đại Lễ Phật Đản được tổ chức từ ngày 1/4 đến 15/4 âm lịch với nhiều hoạt động trang trọng như nghi thức tắm Phật, diễu hành xe hoa và từ thiện. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về ý nghĩa và nguồn gốc của Đại Lễ Phật Đản qua bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về Đại Lễ Phật Đản
1. Đại Lễ Phật Đản là gì?
Đại Lễ Phật Đản, hay còn gọi là Lễ Vesak, là một trong những ngày lễ trọng đại và thiêng liêng nhất trong Phật giáo, nhằm kỷ niệm sự ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Từ năm 1999, Liên Hợp Quốc đã công nhận Đại Lễ Phật Đản là lễ hội văn hóa tâm linh thế giới, được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch hàng năm tại nhiều quốc gia. Ngày lễ này không chỉ tôn vinh sự đản sinh của Ngài mà còn là dịp để Phật tử suy ngẫm về giáo lý từ bi, trí tuệ và hòa bình.
Năm 2025, Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025 từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Học viện Phật giáo Việt Nam, TP.HCM. Sự kiện thu hút khoảng 1.300 đại biểu chính thức từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước và giá trị Phật giáo Việt Nam đến bạn bè thế giới.
Đại Lễ Phật Đản là một trong những ngày lễ trọng đại của Phật giáo
2. Lễ Phật Đản vào ngày mấy âm lịch?
Theo lịch Phật giáo, Đại Lễ Phật Đản chính thức được cử hành vào ngày Rằm tháng 4 Âm lịch hàng năm. Đây là ngày trăng tròn, biểu tượng cho sự viên mãn và giác ngộ. Mặc dù ngày Âm lịch là cố định, nhưng ngày Dương lịch của Đại Lễ Phật Đản sẽ thay đổi hàng năm.
Theo thông tin từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại Lễ Phật Đản 2025 sẽ diễn ra từ ngày 1/4 đến 15/4 âm lịch (ngày 28/4 - 12/5/2025 dương lịch). Lễ chính được tổ chức vào ngày rằm tháng 4 âm lịch (12/5/2025). Lưu ý, sự kiện này không trùng với Đại Lễ Vesak Liên Hợp Quốc, diễn ra từ ngày 9/4 - 11/4 âm lịch (6/5 - 8/5/2025) tại Học viện Phật giáo Việt Nam, TP. HCM.
Lễ Phật Đản 2025 tổ chức vào ngày 1/4 đến 15/4 âm lịch
3. Ý nghĩa của Đại Lễ Phật Đản
Đại Lễ Phật Đản là dịp để tưởng niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Phật Đản sinh, Phật Thành đạo và Phật nhập Niết bàn. Sự kiện không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo mà còn là dịp để cộng đồng Phật tử thực hành từ bi, trí tuệ và lan tỏa tinh thần hòa bình. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy sự đoàn kết, bao dung và phát triển bền vững trong xã hội hiện đại.
4. Một số hoạt động trong Đại Lễ Phật Đản 2025
Tại Việt Nam, Đại Lễ Phật Đản 2025 và Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 được tổ chức trang trọng với nhiều nghi thức truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa và tâm linh. Không khí trang nghiêm và phấn khởi tràn ngập khắp nơi, đặc biệt là tại các ngôi chùa và tịnh xá. Các hoạt động nổi bật bao gồm:
Lễ Thượng Kỳ: Diễn ra vào ngày 5/5, với nghi thức thượng kỳ lá cờ Phật giáo lớn nhất thế giới, kích thước 500m², tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM.
Nghi lễ Thượng đại kỳ Phật giáo Đại Lễ Phật Đản
Lễ rước kiệu và thỉnh tôn tượng Đức Phật đản sinh: Diễn ra tối ngày 5/5/2025 từ Tổ đình Ấn Quang về Việt Nam Quốc Tự.
Lễ rước Xá lợi Đức Phật: Xá lợi Đức Phật - quốc bảo của Ấn Độ cũng đã được chuyên cơ cung rước về Việt Nam nhân đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025.
Lễ rước Xá lợi Đức Phật lần đầu tới Việt Nam
Lễ hội Văn Hóa Phật Giáo: Diễn ra từ ngày 3/5 - 8/5/2025 tại Công viên Láng Le (huyện Bình Chánh), trưng bày các hiện vật và nghệ thuật liên quan đến Phật giáo, nhằm giới thiệu văn hóa và giáo lý Phật giáo đến công chúng.
Lễ rước Xá lợi: Chiều 5/5, xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được cung thỉnh về Việt Nam Quốc Tự để Phật tử và người dân chiêm bái từ ngày 6/5 đến ngày 10/5/2025.
Lễ rước Xá lợi xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức
Diễu hành xe hoa: Diễn ra ngày 06/5/2025 và ngày 10/5/2025. Nhiều chiếc xe hoa được trang trí rực rỡ diễu hành quanh các tuyến đường chính, tạo nên không khí trang nghiêm và phấn khởi.
Chương trình văn nghệ: Ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM tổ chức các chương trình văn nghệ trong Đại Lễ Phật Đản.
Các nghi lễ Tôn giáo: Lễ rước Phật, lễ tắm Phật (biểu tượng cho việc gột rửa phiền não trong tâm hồn), lễ dâng hương, hoa và phẩm vật lên cúng dường Tam Bảo.
Nghe thuyết giảng Phật pháp: Các buổi thuyết giảng về ý nghĩa Phật Đản và giáo lý nhà Phật được tổ chức tại chùa và lễ đài.
Trang hoàng chùa chiền và đường phố: Chùa chiền và nhiều khu phố được trang hoàng lộng lẫy bằng đèn lồng, cờ Phật giáo (cờ ngũ sắc), biểu ngữ chào mừng ngày Đại Lễ Phật Đản.
Đại Lễ Phật Đản 2025 là dịp để cộng đồng Phật tử và người dân Việt Nam cùng nhau tưởng niệm và tôn vinh những giá trị cao đẹp của Phật giáo. Đây là một sự kiện tâm linh và văn hóa mang ý nghĩa đặc biệt.