0Giỏ hàng Khiếu nại 028.39505060 Hotline bán hàng 1900 2628 Tư vấn kỹ thuật 1900 2638
Danh mục sản phẩm

Kinh A Di Đà là gì? Nguồn gốc và cách tụng niệm đúng pháp để thân tâm thanh tịnh

388
 

Kinh A Di Đà là một trong những kinh quan trọng của Tịnh độ tông. Bài kinh này không chỉ truyền tải tư tưởng về sự giải thoát, an lạc mà còn khuyến khích niềm tin vào cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà. Cùng tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc, ý nghĩa và cách tụng niệm Kinh A Di Đà trong bài viết dưới đây.

Kinh A Di Đà

Hướng dẫn tụng niệm Kinh A Di Đà

1. Nguồn gốc của Kinh A Di Đà

Kinh A Di Đà là bản kinh mô tả về cõi Tịnh độ Tây Phương, nơi Đức Phật A Di Đà cai quản. Kinh này được xem là một bản tóm tắt của Đại Vô Lượng Thọ Kinh (đại phẩm Sukhàvatì vyùha) - một tác phẩm lớn trong hệ kinh Tịnh độ. Bản Kinh A Di Đà phổ biến hiện nay được dịch từ Phạn ngữ sang Hán văn bởi Pháp sư Cưu Ma La Thập vào thời Diêu Tần dịch vào khoảng thế kỷ IV từ năm 147 đến năm 713 sau Tây lịch.

Tượng ngài Cưu Ma La Thập trước Thiên Phật Động Kizil

Pháp sư Cưu Ma La Thập là một trong những người dịch Kinh A Di Đà sang tiếng Hán

Kinh Quán Vô Lượng Thọ (Amitayur Dhyàna Sutra) kể về nguồn gốc giáo lý Tịnh độ, do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng. Câu chuyện bắt đầu với Thái tử A Xà Thế ở thành Vương Xá, người đã nổi loạn chống lại cha mình là vua Tần Bà Sa La và giam cầm ông. Mẹ của A Xà Thế, hoàng hậu, cũng bị quản thúc. Trong hoàn cảnh tuyệt vọng, hoàng hậu cầu xin Đức Phật chỉ cho bà một nơi an lành, nơi không có khổ đau như bà đang phải chịu.

Đức Thế Tôn tức Phật Thích Ca Mâu Mi liền hiện ra trước hoàng hậu và cho bà thấy tất cả các cảnh giới Phật. Bà chọn quốc độ của Phật A Di Đà, đây được miêu tả là nơi đầy phúc báu, không có khổ đau hay tạp niệm. Ở đó, chúng sinh được sống trong thanh tịnh và trí huệ với các cảnh quan an lạc, hồ nước thất bảo và hoa sen ngát hương nở khắp nơi. Sau đó, Đức Phật dạy bà cách tụng niệm và thực hành để được sinh về cõi Tịnh độ của Phật A Di Đà sau khi qua đời. Ngài không chỉ giảng dạy giáo pháp của riêng mình mà còn truyền dạy thêm giáo pháp của Phật A Di Đà.

Từ đó có thể thấy cả hai giáo pháp – của Đức Phật Thích Ca và Phật A Di Đà – đều hướng về cùng một điều. Điều này được Đức Phật khẳng định qua lời Ngài dạy Tôn giả A Nan ở phần cuối bài pháp: "Này A Nan, hãy ghi nhớ bài thuyết pháp này và lặp lại cho đại chúng ở Kỳ Xà Quật nghe. Thuyết giáo này, ta gọi là Kinh A Di Đà."

2. Ý nghĩa của Kinh A Di Đà

Kinh A Di Đà là một bài kinh do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy, ca ngợi công đức của Phật A Di Đà và được chư Phật ở khắp nơi hộ niệm. Tuy nhiên, niệm Phật không đơn giản chỉ là đọc tên Phật. Như Hòa Thượng Thích Trí Quảng giải thích, niệm Phật là hành trì trong tâm, giúp tâm mình trở nên tĩnh lặng, tập trung, không loạn động. Chỉ đọc câu "Nam Mô A Di Đà Phật" mà không có sự tỉnh thức trong tâm sẽ không thể đạt được mục tiêu vãng sinh.

Kinh A Di Đà hướng chúng sinh đến sự an lạc, giác ngộ

Kinh A Di Đà là một trong những giáo pháp quan trọng của Tịnh độ tông

Chung quy lại, ý nghĩa của Kinh A Di Đà và tôn chỉ của toàn bộ pháp môn niệm Phật là giúp chúng sinh hướng về bản chất tinh khiết và nguyên thủy của chính mình. Điều này bao gồm những khái niệm như không sinh, không diệt, không giới hạn và không phân biệt, mà thường được gọi là Phật tính hoặc Niết bàn. Khi thực hành đúng pháp, người tu hành sẽ đạt trạng thái tâm an lạc, vượt qua mọi vọng tưởng và đạt đến giác ngộ trọn vẹn.

Kinh A Di Đà là một trong những kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa, được tụng niệm tại nhiều nơi như chùa, thiền viện, tịnh xá hoặc tịnh độ đạo tràng. Tại chùa và các cơ sở tu học, kinh thường được tụng trong khóa lễ hằng ngày hoặc các dịp lễ lớn. Phật tử tại gia cũng có thể tụng kinh A Di Đà vào buổi sáng hoặc tối để giữ tâm thanh tịnh và cầu nguyện an lành. Ngoài ra, những đạo tràng chuyên tu theo pháp môn Tịnh Độ thường niệm kinh này với mục đích hồi hướng công đức để được sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc.

3. Kinh A Di Đà được tụng niệm trong dịp nào?

Kinh A Di Đà thường được tụng trong nhiều dịp quan trọng. Vào ngày lễ vía Đức Phật A Di Đà (17 tháng 11 Âm lịch), các chùa tổ chức lễ tụng kinh để tôn kính Ngài và cầu nguyện vãng sanh. Kinh này cũng được tụng trong các nghi lễ cầu siêu, tang lễ, tuần thất nhằm giúp vong linh siêu thoát. Ngoài ra, vào những ngày rằm, mùng 1 hoặc trong các lễ sám hối, tụng Kinh A Di Đà được xem là cách tiêu trừ nghiệp chướng và tạo phước lành. 

4. Hướng dẫn tụng Kinh A Di Đà đúng nghi thức (âm Việt)

Nghi thức dẫn nhập

Tịnh pháp giới chơn ngôn: 

Án lam xóa ha (7 lần)

Tịnh khẩu nghiệp chơn ngôn:

Tu rị tu rị, ma ha tu rị tu tu rị, ta bà ha. (3 lần)

Tịnh tam nghiệp chơn ngôn:

Án ta phạ bà phạ, truật đà ta phạ, đạt mạ ta phạ, bà phạ truật độ hám. (3 lần)

Án thổ địa chơn ngôn:

Nam mô tam mãn đa một đà nẫm, án độ rô độ rô, địa vỷ ta bà ha. (3 lần)

Phổ cúng dường chơn ngôn:

Án nga nga nẳng tam bà phạ phiệt nhựt ra hồng. (3 lần)

Nguyện hương:

Nam mô Bổn Sư Thích ca Mâu ni Phật.
Đốt nén tâm hương trước Phật đài,
Ngũ phần dâng trọn đức Như Lai,
Cầu xin nhân loại lên bờ giác,
Hạnh phúc bình an đến mọi loài. 

Đệ tử chúng con, một dạ chí thành, quỳ trước điện Phật, thiết lễ cầu siêu, trì Kinh A di đà, nguyện cho chánh pháp được lan truyền khắp chốn, lời Phật dạy được phổ biến muôn nơi. Người người từ bỏ tham, giận, si mê; tưới tẩm từ bi, hạnh phúc. Làm lành lánh dữ, thương yêu đùm bọc lẫn nhau; thế giới dứt nghiệp binh đao, muôn loài an vui, tự tại.

Ngưỡng nguyện hương linh . . . thấu rõ vô thường, vô ngã; xả bỏ huyễn thân 

tứ đại, tiêu dao miền Tịnh cảnh, thác hóa chín phẩm sen, nghiệp dứt khỏi ba đường, làm bà con Phật pháp. Cầu pháp giới chúng sinh đồng lên bờ giác ngộ.

Nam mô Hương Cúng Dường Bồ tát (3 lần)

Đảnh lễ tam bảo

Phật là đấng giác ngộ mình,
Độ người thoát khỏi tử sinh bao đời,
Từ bi, trí tuệ rạng ngời,
Là thầy ba cõi trời người xưa nay.

  • Chí Tâm Đảnh Lễ: Nam mô tận hư không, biến pháp giới, quá hiện, vị lai Thập phương chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng, thường trú Tam Bảo. (1 lạy) 
  • Chí Tâm Đảnh Lễ: Nam mô Ta Bà Giáo chủ, Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật, Đại Trí Văn Thù Sư Bồ Tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát, Hộ Pháp chư tôn Bồ Tát, Linh Sơn Hội Thượng Phật Bồ Tát. (1 lạy) 
  • Chí Tâm Đảnh Lễ: Nam Mô Tây Phương Cực Lạc thế giới, đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật, đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát, Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ tát. (1 lạy) 

Đảnh lễ tam bảo

Đảnh lễ tam bảo là hình thức cung kính quỳ lạy và dập đầu 3 lần để tỏ lòng thành kính trước Đức Phật

Tán hương

Lò hương vừa bén chiên đàn
Tỏa xông pháp giới đạo tràng mười phương
Hiện thành mây báu cát tường
Xin Phật chứng giám tâm hương chí thành
Pháp thân các Phật tịnh thanh
Chứng minh hương nguyện, phước lành rưới ban.
Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát (3 lần)

Phát nguyện trì kinh

Lạy đấng Thầy ba cõi,
Quy mạng Phật mười phương.
Nay con phát nguyện lớn,
Trì Kinh A-di đà,
Trên đền bốn ơn nặng,
Dưới cứu khổ ba đường.
Nguyện cho người thấy nghe
Đều phát tâm bồ đề,
Sống an vui giải thoát.
Nam mô Bổn Sư Thích ca Mâu ni Phật (3 lần) 

Tán dương giáo pháp

Pháp Phật cao siêu, lý rộng sâu,
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu,
Nay con gặp được xin trì tụng, 
Nguyện hiểu chân kinh nghĩa nhiệm mầu.
Nam mô Khai Pháp Tạng Bồ tát (3 lần)
Nam mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ tát (3 lần)

Chú Đại Bi

Nam mô Đại Bị Hội Thượng Phật Bồ Tát. (3 lần)

Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni. Nam mô hắc ra đát na, đa ra dạ da. Nam mô a rị da, bà lô yết đế, thước bát ra da, Bồ đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da, án tát bàn ra phạt duệ số đát na đát tỏa. Nam mô tất kiết lật đỏa y mông a rị da, bà lô kiết đế thất Phật ra lăng đà bà.

Nam mô na ra cẩn trì hê rị ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu thâu bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê dị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, dị đà dựng, cu lô cu lô kiết mông, độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cần trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta bà ha.

Tất đà dạ ta bà ha. Ma ha tất đà dạ ta bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì ta bà ha. Ma ra na ra ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lị thắng yết ra dạ, ta bà ha. Nam mô hắc ra đát na, đa ra dạ da. Nam mô a rị da, bà lô yết đế, thước bàng ra dạ, ta bà ha.

Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ, ta bà ha. (3 lần)

Chánh kinh

Kinh A Di Đà

  • Nhân duyên pháp hội

Ta nghe như vầy: Một thuở nọ Đức Phật ở nơi vườn Kỳ Thọ, cấp Cô Độc nước Xá Vệ, cùng với một nghìn hai trăm năm mươi vị đại Tỳ kheo câu hội: đều là bậc A La Hán mọi người đều quen biết, như là: Trưởng lão Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Ma Ha Câu Hy La, Ly Bà Đa, Châu Lợi Bàn Đà Già, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lư Phả La Đọa, Ca Lưu Đà Di, Ma Ha Kiếp Tân Na, Bạc Câu La, A Nâu Lầu Đà, những vị đại đệ tử như thế. Và hàng Đại Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi: Pháp Vương Tử, A Dật Đa Bồ Tát, Càn Đà Ha Đề Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ tát… cùng với các vị Đại Bồ tát như thế và với vô lượng chư Thiên như ông Thích Đề Hoàn Nhơn.... đại chúng cùng đến dự hội.

  • Thế giới cực lạc

Bấy giờ đức Phật bảo ngài Trưởng lão Xá Lợi Phất rằng: "Từ đây qua phương Tây quá mười muôn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực Lạc, trong thế giới đó có đức Phật hiệu là A Di Đà hiện nay đương nói pháp."

Xá Lợi Phất! Cõi đó vì sao tên là Cực lạc? Vì chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc.

Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây, đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, vì thế nên nước đó tên là Cực Lạc.

Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất. Vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên ao; trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não.

Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe: hoa sắc xanh thời ánh sáng xanh, sắc vàng thời ánh sáng vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh sáng trắng, mầu nhiệm thơm tho trong sạch.

Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.

Xá Lợi Phất! Lại trong cõi nước của đức Phật đó, thường trổi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời rưới hoa trời mạn đà la. Chúng sanh trong cõi đó thường vào lúc sáng sớm, đều lấy đãy hoa đựng những hoa tốt đem cúng dường mười muôn ức đức Phật ở phương khác, đến giờ ăn liền trở về bổn quốc ăn cơm xong đi kinh hành.

Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy. Lại nữa, Xá Lợi Phất! Cõi đó thường có những giống chim màu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch hạc, Khổng tước, Anh võ, Xá lợi, Ca lăng tần già, Cọng mạng; những giống chim đó ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã.

Tiếng chim đó diễn nói những pháp như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần.. Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng!

Xá Lợi Phất! Ông chớ cho rằng những giống chim đó thiệt là do tội báo sanh ra. Vì sao? Vì cõi của đức Phật đó không có ba đường dữ.

Xá Lợi Phất! Cõi của đức Phật đó tên đường dữ còn không có huống gì lại có sự thật. Những giống chim đó là do đức Phật A Di Đà muốn làm cho tiếng pháp được tuyên lưu mà biến hóa làm ra đấy thôi.

Xá Lợi Phất! Trong cõi nước của đức Phật đó, gió nhẹ thổi động các hàng cây báu và động mành lưới báu, làm vang ra tiếng vi diệu, thí như trăm nghìn thứ nhạc đồng một lúc hòa chung. Người nào nghe tiếng đó tự nhiên đều sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.

Xá Lợi Phất! Cõi nước của đức Phật đó thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.

  • Ý nghĩa Phật Hiệu

Xá Lợi Phất! Nơi ý ông nghĩ sao? Đức Phật đó vì sao hiệu là A Di Đà?

Xá Lợi Phất! Đức Phật đó, hào quang sáng chói vô lượng, soi suốt các cõi nước trong mười phương không bị chướng ngại vì thế nên hiệu là A Di Đà.

Xá Lợi Phất! Đức Phật đó và nhân dân của Ngài sống lâu vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, nên hiệu là A Di Đà.

  • Dân chúng tịnh độ

Xá Lợi Phất! Đức Phật A Di Đà thành Phật nhẫn nại đến nay, đã được mười kiếp.

Xá Lợi Phất! Lại đức Phật đó có vô lượng vô biên Thanh Văn đệ tử đều là bực A La Hán, chẳng phải tính đếm mà có thể biết được, hàng Bồ tát chúng cũng đông như thế.

Xá Lợi Phất! Cõi nước của đức Phật đó thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy.

Xá Lợi Phất! Lại trong cõi cực lạc, những chúng sanh vãng sanh vào đó đều là bực bất thối chuyển.

Trong đó có rất nhiều vị bực nhất sanh bổ xứ, số đó rất đông, chẳng phải tính đếm mà biết được, chỉ có thể dùng số vô lượng vô biên a tăng kỳ để nói thôi!

  • Phát nguyện vãng sanh

Xá Lợi Phất! Chúng sanh nào nghe những điều trên đây, nên phải phát nguyện cầu sanh về nước đó. Vì sao? Vì đặng cùng với các bậc Thượng thiện nhơn như thế câu hội một chỗ.

Xá Lợi Phất! Chẳng có thể dùng chút ít thiện căn phước đức nhơn duyên mà được sanh về cõi đó.

  • Điều kiện vãng sanh

Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh Chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.

Xá Lợi Phất! Ta thấy có sự lợi ích ấy nên nói những lời như thế.

Nếu có chúng sinh nào, nghe những lời trên đó, nên phải phát nguyện sanh về cõi nước Cực Lạc.

  • Chư Phật tán dương

Xá Lợi Phất! Như Ta hôm nay ngợi khen công đức lợi ích chẳng thể nghĩ bàn của đức Phật A Di Đà, phương Đông cũng có đức A Súc Bệ Phật, Tu Di Tướng Phật, Đại Tu Di Phật, Tu Di Quang Phật, Diệu Âm Phật; Hằng hà sa số những đức Phật như thế đều ở tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi Tam thiên Đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này".

Xá Lợi Phất! Thế giới phương Nam, có đức Nhật Nguyệt Đăng Phật, Danh Văn Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tu Di Đăng Phật, Vô Lượng Tinh Tấn Phật… Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này".

Xá Lợi Phất! Thế giới phương Tây, có đức Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Tướng Phật, Vô Lượng Tràng Phật, Đại Quang Phật, Đại Minh Phật, Bửu Tướng Phật, Tịnh Quang Phật… Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này".

Xá Lợi Phất! Thế giới phương Bắc, có đức Diệm Kiên Phật, Tối Thắng Âm Phật, Nan Trở Phật, Nhựt Sanh Phật, Võng Minh Phật… Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này".

Xá Lợi Phất! Thế giới phương dưới, có đức Sư Tử Phật, Danh Văn Phật, Danh Quang Phật, Đạt Ma Phật, Pháp Tràng Phật, Trì Pháp Phật… Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên tin Kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này".

Xá Lợi Phất! Thế giới phương trên, có đức Phạm Âm Phật, Tú Vương Phật, Hương Thượng Phật, Hương Quang Phật, Đại Diệm Kiên Phật, Tạp Sắc Bửu Hoa Nghiêm Thân Phật, Ta La Thọ Vương Phật, Bửu Hoa Đức Phật, Kiến Nhất Thiết Nghĩa Phật, Như Tu Di Sơn Phật… Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: "Chúng sanh các ngươi phải nên tin Kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này".

Xá Lợi Phất! Nơi ý của ông nghĩ thế nào, vì sao tên là Kinh: Nhứt Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm?

Xá Lợi Phất! Vì nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe kinh này mà thọ trì đó, và nghe danh hiệu của đức Phật, thời những thiện nam tử cùng thiện nữ nhân ấy đều được tất cả các đức Phật hộ niệm, đều được không thối chuyển nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Xá Lợi Phất! Cho nên các ông đều phải tin nhận lời của Ta và của các đức Phật nói.

Xá Lợi Phất! Nếu có người đã phát nguyện, hiện nay phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh về cõi nước của đức Phật A Di Đà, thời những người ấy đều đặng không thối chuyển nơi đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác; nơi cõi nước kia, hoặc đã sanh về rồi, hoặc hiện nay sanh về, hoặc sẽ sanh về.

Xá Lợi Phất! Cho nên các thiện nam tử thiện nữ nhân nếu người nào có lòng tin thời phải nên phát nguyện sanh về cõi nước kia.

Xá Lợi Phất! Như ta hôm nay ngợi khen công đức chẳng thể nghĩ bàn của các đức Phật, các đức Phật đó cũng ngợi khen công đức chẳng thể nghĩ bàn của Ta mà nói lời này: "Đức Thích Ca Mâu Ni Phật hay làm được việc rất khó khăn hi hữu, có thể ở trong cõi Ta Bà đời ác năm món trược: kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược trung, mà Ngài chứng được ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài vì các chúng sanh nói kinh pháp mà tất cả thế gian khó tin này". 

  • Tín thọ phụng hành

Đức Phật nói kinh này rồi, ngài Xá Lợi Phất cùng các vị Tỳ kheo, tất cả trong đời: Trời, Người, A Tu La,... nghe lời của đức Phật dạy, đều vui mừng tin nhận đảnh lễ mà lui ra.

(Kinh văn đến đây là hết, phần nghi thức kết thúc. Về phần hồi hướng, người tụng có thể tùy chọn hoặc thực hành theo hướng dẫn dưới đây).

Bạt trừ nhất thiết nghiệp chướng đắc sanh tịnh độ Đà-la-ni

Nam mô a di đa bà dạ, đa tha dà đa dạ. Đa điệt dạ tha, a di rị đô bà tỳ, a di rị đa, tất đam bà tỳ, a di rị đa, tỳ ca lan đế, a di rị đa, tỳ ca lan đa, dà di nị, dà dà na, chỉ đa ca lợi, ta bà ha. (3 lần) 

Sám nguyện và hồi hướng

Hồi hướng công đức sau khi tụng kinh A Di Đà

Người tụng kinh có thể hồi hướng công đức cho người thân, chúng sinh và chính bản thân mình 

Kinh tinh hoa trì tuệ

Quán Tự Tại thực hành trí tuệ,
Bát nhã ba la mật sáng ngời,
Bấy giờ Bồ tát quán soi,
Thấy rằng năm uẩn ba đời đều không.
Vượt tất cả các vòng khổ ách,
Hãy nghe này, Xá lợi phất ông!
Sắc nào có khác gì không,
Không nào khác sắc, sắc không vốn đồng.
Cả thọ, tưởng, thức, hành cũng thế.
Tánh chân không các pháp viên thành,
Thảy đều chẳng diệt, chẳng sanh,
Chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng tăng giảm gì.
Trong chân không chẳng hề có sắc.
Chẳng thọ, tưởng, hành, thức trong không.
Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân,
Sắc, thanh, vị, xúc, pháp, hương không còn.
Không nhãn thức đến không ý thức,
Không vô minh hoặc hết vô minh,
Không điều già chết chúng sanh,
Hết già, hết chết thực tình cũng không.
Không trí huệ cũng không chứng đắc,
Bởi có gì là chỗ đắc đâu.
Bấy lâu Bồ tát dựa vào
Trí ba la mật thẳm sâu thực hành,
Mọi chướng ngại quanh mình tan biến,
Mọi việc đều chẳng khiến hoảng kinh,
Xa lìa mộng tưởng đảo điên,
Niết bàn rốt ráo an nhiên thanh nhàn.
Bát nhã ấy rõ ràng trí tuệ,
Mà ba đời chư Phật nương vào,
Chứng thành quả giác tối cao,
Nên xem Bát nhã thâm sâu đó là:
Lời thần chú sâu xa bậc nhứt,
Lời chú thần rất mực quang minh,
Chú thần cao cả anh linh,
Là lời thần chú thật tình cao siêu.
Trừ dứt được mọi điều đau khổ,
Đúng như vầy muôn thuở không sai.
Ngài liền tuyên nói chú này,
Để người trì niệm sáng bày chơn tâm: Ga-tê ga-tê pa-ra-ga-tê pa-ra-săn-ga-tê bô-dhi sva-ha. (3 lần)

Niệm Phật

A di đà Phật sắc thân vàng,
Tướng tốt không gì thể sánh ngang.
Mắt biếc lắng trong trùm bốn biển,
Tu di rực rỡ ngập hào quang.
Trong ánh quang minh vô số Phật,
Ứng thân Bồ tát hiện vô vàn.
Bốn mươi tám nguyện vì sanh chúng,
Chín loại noi đường, bến giác sang.
Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới 
Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A di đà Phật.
Nam mô A di đà Phật (18 lần) 
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát (3 lần) 
Nam mô Đại Thế Chí Bồ tát (3 lần)
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ tát (3 lần) 
Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ tát. (3 lần)

Mười hai lời nguyện

Tây Phương Giáo Chủ
Tịnh Độ Năng Nhơn
Tứ Thập Bát Nguyện Độ Chúng Sanh
Phát Nguyện Thệ Hoằng Thâm
Thượng Phẩm Thượng Sanh
Đồng Phó Bảo Liên Thành

  • 1. Nam Mô An Dưỡng Quốc Cực Lạc Giới Di Đà Hải Hội Vô Lượng Quang Như Lai. (1 lạy)
  • 2. Nam Mô An Dưỡng Quốc Cực Lạc Giới Di Đà Hải Hội Vô Biên Quang Như Lai. (1 lạy)
  • 3. Nam Mô An Dưỡng Quốc Cực Lạc Giới Di Đà Hải Hội Vô Ngại Quang Như Lai. (1 lạy)
  • 4. Nam Mô An Dưỡng Quốc Cực Lạc Giới Di Đà Hải Hội Vô Đối Quang Như Lai. (1 lạy)
  • 5. Nam Mô An Dưỡng Quốc Cực Lạc Giới Di Đà Hải Hội Diệm Vương Quang Như Lai. (1 lạy)
  • 6. Nam Mô An Dưỡng Quốc Cực Lạc Giới Di Đà Hải Hội Thanh Tịnh Quang Như Lai. (1 lạy)
  • 7. Nam Mô An Dưỡng Quốc Cực Lạc Giới Di Đà Hải Hội Hoan Hỷ Quang Như Lai. (1 lạy)
  • 8. Nam Mô An Dưỡng Quốc Cực Lạc Giới Di Đà Hải Hội Trí Tuệ Quang Như Lai. (1 lạy)
  • 9. Nam Mô An Dưỡng Quốc Cực Lạc Giới Di Đà Hải Hội Nan Tư Quang Như Lai. (1 lạy)
  • 10. Nam Mô An Dưỡng Quốc Cực Lạc Giới Di Đà Hải Hội Bất Đoạn Quang Như Lai. (1 lạy)
  • 11. Nam Mô An Dưỡng Quốc Cực Lạc Giới Di Đà Hải Hội Vô Xưng Quang Như Lai. (1 lạy)
  • 12. Nam Mô An Dưỡng Quốc Cực Lạc Giới Di Đà Hải Hội Siêu Nhật Nguyệt Quang Như Lai. (1 lạy)

Phát nguyện sám hối

Đệ tử chúng con từ vô thỉ,
Gây bao tội ác bởi lầm mê,
Đắm trong sanh tử đã bao lần,
Nay đến trước đài vô thượng giác;
Biển trần khổ lâu đời luân lạc,
Với sinh linh vô số điêu tàn,
Sống u hoài trong kiếp lầm than,
Con lạc lõng không nhìn phương hướng,
Đoàn con dại, từ lâu vất vưởng,
Hôm nay trông thấy đạo huy hoàng,
Xin hướng về núp bóng từ quang,
Lạy Phật Tổ soi đường dẫn bước.
Bao tội khổ trong đường ác trược,
Vì tham, sân, si, mạn gây nên,
Con hôm nay giữ trọn lời nguyền,
Xin sám hối để lòng thanh thoát;
Trí huệ quang minh như nhựt nguyệt,
Từ bi vô lượng cứu quần sinh,
Ôi ! Từ lâu ba chốn ngục hình,
Giam giữ mãi con nguyền ra khỏi,
Theo gót Ngài vượt qua khổ ải,
Nương thuyền từ vượt bể ái hà,
Nhớ lời Ngài, "Bờ giác không xa
Hành thập thiện cho đời tươi sáng,
Bỏ việc ác, để đời quang đãng,
Đem phúc lành gieo rắc phàm nhân".
Lời ngọc vàng ghi mãi bên lòng,
Con nguyện được sống đời rộng rãi,
Con niệm Phật để lòng nhớ mãi,
Hình bóng người cứu khổ chúng sanh,
Để theo Ngài trên bước đường lành,
Chúng con khổ, nguyền xin cứu khổ;
Chúng con khổ, nguyền xin tự độ,
Ngoài tham lam, sân hận ngập trời,
Phá si mê, trí huệ tuyệt vời,
Con nhớ đức Di Đà Lạc quốc.
A di đà Phật sắc thân vàng,
Tướng tốt không gì thể sánh ngang.
Mắt biếc lắng trong trùm bốn biển,
Tu di rực rỡ ngập hào quang.
Trong ánh quang minh vô số Phật,
Ứng thân Bồ tát hiện vô vàn.
Bốn mươi tám nguyện vì sanh chúng,
Chín loại noi đường, bến giác sang. 
Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới, đại từ, đại bi A Di Đà Phật.
Nam mô A Di Đà Phật. (18 lần)
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. (3 lần)
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát. (3 lần)
Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát. (3 lần)
Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (3 lần)

Sám A Di Đà

Muốn đi có một đường này:
Nhất tâm niệm Phật, có ngày thoát qua.
Tụng Kinh niệm Phật Di đà,
Hồng danh sáu chữ thật là rất cao.
Năng trừ tám vạn trần lao,
Tham thiền, trì chú pháp nào cũng thua.
Di đà xưa cũng làm vua,
Bỏ ngôi, bỏ nước, vào chùa mà tu.
Xét ra từ kiếp đã lâu,
Hiệu là Pháp Tạng Tỳ kheo đó mà.
Trong khi ngài mới xuất gia,
Bốn mươi tám nguyện phát ra một lần.
Nguyện nào cũng lắm oai thần,
Nguyện nào cũng trọng về phần độ sinh.
Vì thương thế giới bất bình,
Nên chi đầu Phật mà đành bỏ ngôi.
Thầy là Bảo Tạng Như Lai,
Bạn là Bảo Hải, tức ngài Thích ca.
Thích ca nguyện độ Ta bà,
Di đà nguyện mở cửa nhà Lạc Bang.
Mở ao chín phẩm sen vàng
Xây thành bát bửu, đổ đàng thất trân.
Lưu ly quả đất sáng ngần,
Lầu châu gát ngọc mười phần trang nghiêm.
Hoa trời rưới cả ngày đêm,
Có cây rất quý, có chim lạ kỳ.
Lạ lùng cái cảnh phương Tây,
Mười phương cõi Phật, cảnh nào cũng thua.
Phong quang vui vẻ bốn mùa,
Nước reo pháp Phật, giáo khua nhạc trời.
Di đà có thệ một lời, Mở ra cõi ấy tiếp người vãng sanh.
Mười phương ai phát lòng thành,
Nhất tâm mà niệm hồng danh của Ngài.
Hằng ngày trong lúc hôm mai,
Niệm từ mười tiếng đến vài ba trăm.
Khi đi, khi đứng, khi nằm,
Chuyên trì niệm Phật, lòng chăm phát nguyền.
Nguyện sanh về cõi bảo liên
Là nơi Cực Lạc ở miền Tây phương.
Đến khi thọ mạng vô thường,
Thì ngài phóng ngọn hào quang rước liền,
Biết bao phước đức nhân duyên,
Đã về Cực Lạc còn phiền não chi.
Sự vui, trời cũng chẳng bì,
Đêm đêm thong thả, ngày ngày thảnh thơi.
Sống lâu kiếp kiếp đời đời,
Không già, không chết, không dời đi đâu.

Sám niệm Phật

Một lòng giữ niệm Di đà,
Hồng danh sáu chữ thật là rất cao.
Năng trừ tám vạn trần lao,
Niệm thời phải tính cách nào cho hay.
Tham lam dứt bỏ mê si,
Tĩnh tâm niệm Phật việc gì cũng an.
Niệm Phật tội nghiệp tiêu tan,
Những điều tai hoạ khỏi mang vào mình.
Niệm Phật phát huệ thông minh,
Bao nhiêu nghiệp chướng chẳng sinh vào lòng.
Niệm Phật cứu được tổ tông,
Ông bà cha mẹ thoát dòng sông mê.
Niệm Phật hoan hỷ mọi bề,
Thương người lẫn vật chẳng hề khác nhau.
Niệm Phật nhớ trước biết sau,
Thông minh sáng suốt, trí cao lòng hiền.
Niệm Phật ắt gặp phước duyên,
Tài danh chẳng nhiễm, bình yên cửa nhà.
Niệm Phật chẳng sợ tà ma,
Những hàng yêu quái tránh xa chẳng cùng.
Niệm Phật được lợi ích chung,
Gặp loài ác thú hoá hung ra hiền.
Niệm Phật thân thể được yên,
Trong khi tĩnh tọa tham thiền tâm minh.
Niệm Phật chẳng có chống kình,
Nhu hòa là pháp đã in vào lòng.
Niệm Phật mười tiếng cũng xong,
Hành theo nhân quả, ý mong giúp đời.
Niệm Phật phổ độ khắp nơi,
Lợi mình lợi kẻ trời người mến thương.
Niệm Phật lòng dạ hiền lương,
Từ bi hỷ xả dẫn đường chúng sanh.
Niệm Phật rõ thấu ngọn ngành,
Biết từ kiếp trước rõ rành đời sau.
Niệm Phật như kẻ thả phao,
Trôi qua khổ ải, trần lao khỏi chìm.
Bước lên bờ giác trang nghiêm,
Thấy toàn Phật Thánh chớ tìm đâu xa.
Niệm Phật ắt Phật rước ta,
Về nơi An Dưỡng một nhà vui thay.
Nhắc người niệm Phật đó đây,
Chí tâm niệm Phật có ngày thoát thân.

Sám nhất tâm

Một lòng mỏi mệt không nài,
Cầu về Cực Lạc ngồi đài liên hoa.
Cha lành vốn thiệt Di đà,
Soi hào quang tịnh chói lòa thân con.
Thẩm sâu ơn Phật hằng còn,
Con nay chánh niệm lòng son một bề.
Nguyện làm nên đạo bồ đề,
Chuyên lòng niệm Phật, cầu về Tây phương.
Phật xưa lời thệ tỏ tường,
Bốn mươi tám nguyện dẫn đường chúng sanh.
Thề rằng ai phát lòng thành,
Nước ta báu vật để dành các ngươi.
Thiện nam tín nữ mỗi người,
Chí thành tưởng Phật niệm mười tiếng ra.
Ta không rước đến nước ta,
Thề không thành Phật chắc là không sai.
Bởi vì tin tưởng Như Lai,
Có duyên tưởng Phật sống dai vô cùng.
Lời thề biển rộng mênh mông,
Nhờ nương đức Phật thoát vòng trần lao.
Tội mòn như đá mài dao,
Phước lành thêm lớn, càng cao càng dày.
Cầu cho con thác biếc ngày,
Biết giờ, biết khắc, biết rày tánh linh.
Cầu cho bệnh khổ khỏi mình
Lòng không trìu mến chuyện tình thế gian.
Cầu cho thần thức nhẹ nhàng,
In như thiền định họ Bàng thuở xưa.
Đài vàng tay Phật bưng chờ,
Các ông Bồ tát bấy giờ đứng trông.
Rước con thiệt đã nên đông,
Nội trong giây lát thảy đồng về Tây.
Xem trong trong cõi Phật tốt thay,
Hoa sen đua nở tánh nay sạch trần.
Hội này thấy Phật phân thân,
Đặng nghe pháp nhiệm tinh thần sáng trưng.
Quyết tu độ chúng phàm dân.
Đủ lời thệ nguyện Phật ân rộng dài.
Phật thề chắc thiệt không sai,
Cầu về Tịnh Độ ai ai tin lòng.
Nguyện về Tịnh Độ một nhà,
Hoa sen chín phẩm là cha mẹ mình.
Hoa nở rồi biết tánh linh,
Các ngài Bồ tát bạn lành với ta.

Sám phát nguyện 

Nương Phật A di đà
Nơi bản môn mầu nhiệm,
Con dốc lòng quay về
Duy trì nguồn chánh niệm.
Con đã nguyện trở lại,
Nương Phật A di đà.
Cúi xin Phật nhiếp thọ,
Cõi Tịnh Độ bày ra.
Xin lấy đuốc ánh sáng,
Soi vào tâm tư con.
Xin lấy thuyền thọ mạng,
Chuyên chở hình hài con.
Cho sự sống an lạc,
Cho lý tưởng vẹn toàn.
Xin Bụt luôn bảo hộ,
Để tâm không buông lơi.
Cho con phá tà kiến,
Làm phiền não rụng rơi.
Trong giây phút hiện tại,
Có Phật trong cuộc đời.
Tịnh độ đi từng bước,
Vững chãi và thảnh thơi.
Hiện tại sống chánh niệm,
Tịnh Độ đã thật rồi.
Sau này đổi thân khác,
Thế nào cũng an vui.
Niệm Phật A di đà,
Được nhất tâm bất loạn.
Chín phẩm sen hiện tiền,
Tự tha đều thọ dụng.
Biết trước giờ mạng chung,
Tâm con không nao núng.
Thân con không bệnh khổ,
Ý con không ngại ngùng.
Di đà cùng thánh chúng
Tay nâng đóa sen vàng.
Có mặt trong giây lát,
Cùng lên đường thong dong.
O Sen nở là thấy Phật,
Tịnh Độ là quê hương.
Cúi xin Phật chứng giám,
Hành trì không buông lung.

Sám tống táng 

Cuộc hồng trần xoay vần quá ngán,
Kiếp phù sinh tụ tán mấy hồi,
Người đời có biết chăng ôi,
Thân người tuy có, có rồi hoàn không!
Chiêm bao khéo khuấy lạ lùng,
Mơ màng trong một giấc nồng mà chi,
Làm cho buồn bã thế ni!
Hình dung mới đó bữa nay đâu rồi?
Khi nào đứng đứng ngồi ngồi
Bây giờ lặng ngắt như chồi cây khô.
Khi nào du lịch giang hồ
Bây giờ nhắm mắt mà vô quan tài.
Khi nào lược giắt trâm cài
Bây giờ gởi xác ra ngoài gò hoang.
Khi nào trau ngọc chuốt vàng
Bây giờ một nắm xương tàn lạnh tanh.
Khi nào mắt đẹp mày xanh
Bây giờ thấy dạng thấy hình là đâu.
Khi nào lên các xuống lầu
Bây giờ một nắm cỏ sầu xanh xanh.
Khi nào liệt liệt oanh oanh
Bây giờ một trận tan tành gió mưa.
Khi nào ngựa lọc xe lừa
Bây giờ mây rước trăng đưa mơ màng.
Khi nào ra trướng vào màn
Bây giờ nhà cửa xóm làng cách xa.
Khi nào mẹ mẹ cha cha
Bây giờ bóng núi cách xa muôn trùng.
Khi nào vợ vợ chồng chồng
Bây giờ trăng khuyết còn mong chi tròn.
Khi nào cháu cháu con con
Bây giờ hai ngã nước non xa vời.
Khi nào cốt nhục vẹn mười
Bây giờ lá héo nhành tươi vui gì.
Khi nào bạn hữu sum vầy
Bây giờ chén rượu cuộc kỳ vắng thiu.
Cái thân như tấc bóng chiều
Như chùm bọt nước phập phều biển khơi.
Xưa ông Bành Tổ sống đời
Tám trăm tuổi thọ nay thời còn đâu!
Sang mà đến bậc Công Hầu
Giàu mà đến bậc bấy lâu Thạch Sùng.
Nghèo mà đói khát lạnh lùng
Khổ mà tóc cháy da phồng trần ai.
Phù du sớm tối một mai
Giàu sang cũng thác, sạt sài cũng vong
Thông minh tài trí anh hùng
Si mê dại dột cũng chung một gò.
Biển trần nhiều nỗi gay go
Mau mau nhẹ gót qua đò sông mê.
Sự đời nên chán nên chê
Tầm nơi giải thoát mà về mới khôn.
Lắng tâm quyết tỏ nguồn chơn
Gương xưa lau sạch không còn trần ô.
Tu hành phải đợi kiếp mô
Sông tình biển ái đã khô bao giờ.
Lựa là phải ngộ thiền cơ
Mà đèn trí huệ dễ lờ đi đâu.
Nguồn tâm phải tỏ trước sau
Nguyện cho thành Phật để mau độ đời.
Ban niềm an lạc muôn nơi
Niết bàn tỏ ngộ, sáng ngời chân tâm.

Hồi hướng công đức
Tụng kinh là hạnh tốt lành,
Vô biên phước đức sẵn dành chúng sanh.
Nguyện cho tất cả hàm linh,
Thảy đều tỏ ngộ phẩm kinh diệu huyền.
Nguyện tiêu ba chướng não phiền,
Được nguồn trí tuệ, phá xiềng vô minh.
Nguyện trừ tội chướng điêu linh,
Hạnh lành Bồ tát thường tinh tấn làm.
Nguyện sanh cõi Tịnh siêu phàm,
Hoa sen chín phẩm là hàng mẹ cha.
Hoa nở thấy Phật hiện ra,
Vô sanh chứng ngộ, bạn ta: Thánh hiền. 
Nguyện đem công đức hiện tiền,
Hướng về khắp cả các miền gần xa.
Con và cha mẹ, ông bà,
Chúng sanh giác ngộ, chan hòa pháp thân. (3 xá)

Phụng nguyện
Nam mô Bổn Sư Thích ca Mâu ni Phật.
Nam mô giáo chủ cõi Tây phương,
Năng Nhân Tịnh Độ Pháp Vương Di đà.
Bốn mươi tám nguyện rộng xa,
Độ sanh tất cả về tòa Kim liên.
Nguyện hương linh sớm được an lành,
Nghe kinh kệ siêu sinh Tịnh Độ.
Vượt qua bể khổ, thoát khỏi Ta bà.
Sen vàng chín phẩm nở hoa,
Pháp thân Phật Di đà thọ ký.
Chúng con nhất tâm cầu nguyện:
Bốn loài sinh lên đất Tịnh,
Ba cõi thác hoá toà Sen.
Hằng sa ngạ quỷ chứng Tam Hiền,
Vạn loại hữu tình lên Thập Địa.

Khắp nguyện
Người mất siêu sinh, kẻ còn phúc lạc.
Năm châu an định, bốn biển thanh bình.
Tình với vô tình, Đều thành Phật đạo.
Nam mô A di đà Phật. (3 xá)
Đảnh lễ ba ngôi báu
Con xin nương tựa Phật,
Bậc Phước Trí Viên Thành,
Cầu tất cả chúng sanh
Giác ngộ, phát tâm lành. (1 lạy)
Con xin nương tựa Pháp,
Nguồn tuệ giác, từ bi,
Cầu tất cả chúng sanh
Hiểu đạo, tỏ nguồn tâm. (1 lạy)
Con xin nương tựa Tăng,
Đoàn thể sống an vui,
Cầu tất cả chúng sanh
Hòa hợp, thương mến nhau. (1 lạy)

5. Kết luận

Kinh A Di Đà không chỉ là một bản kinh có giá trị giáo lý sâu sắc trong Phật giáo Đại thừa mà còn là kim chỉ nam cho những ai mong muốn tìm kiếm sự an lạc và giải thoát. Thông qua việc tụng niệm và thực hành theo lời dạy trong kinh, người tu hành có thể phát lòng từ bi, tăng thêm phước báu, xóa bỏ phiền não và đạt đến giác ngộ trọn vẹn. 

Mua hàng chính hãng, giá tốt, ghé Siêu Thị Điện Máy - Nội Thất Chợ Lớn

Nếu bạn cần mua các sản phẩm thiết yếu cho gia đình như: bếp từ, máy ép trái cây, máy lọc nước, máy nước nóng, bàn ủi, máy xay sinh tố,... Siêu Thị Điện Máy - Nội Thất Chợ Lớn chính là địa điểm dành cho bạn. Tại đây chuyên cung cấp các sản phẩm chính hãng, giá cả hợp lý và thường xuyên diễn ra các chương trình khuyến mãi, giúp bạn mua hàng "cực hời". Ghé Siêu Thị Điện Máy - Nội Thất Chợ Lớn ngay hôm nay để không bỏ lỡ những ưu đãi hấp dẫn! 

Tham khảo thêm một số sản phẩm sale cực HOT, số lượng có hạn tại Siêu Thị Điện Máy - Nội Thất Chợ Lớn:

Trả góp 0%
Bếp từ âm đôi EHI7260BB
13-icon-giadung-44
68-Km icon-hot
68-icon-GIADUNG2

Electrolux Bếp từ âm đôi EHI7260BB

Giá Kinh Hoàng Tại SHOP
11.500.000đ
Quà tặng trị giá 11.000.000đ

Hoàn tiền gấp đôi nếu đâu Rẻ hơn

Đánh giá 4/5 (2)

Gaabor Máy Sấy Tóc GHD-N1000D

Giá Kinh Hoàng Tại SHOP
350.000đ

Hoàn tiền gấp đôi nếu đâu Rẻ hơn

Đánh giá 4.3/5 (3)

Daikiosan Máy Lọc Nước RO 9 Lõi DN107 - Lõi RO Mỹ

Gọi 19002628 để được giảm thêm
Giá Kinh Hoàng Tại SHOP
5.680.000đ
Quà tặng trị giá 11.000.000đ

Hoàn tiền gấp đôi nếu đâu Rẻ hơn

Đánh giá 4/5 (2)

Philips Máy ép trái cây HR1811

Gọi 19002628 để được giảm thêm
Giá Kinh Hoàng Tại SHOP
1.449.000đ

Hoàn tiền gấp đôi nếu đâu Rẻ hơn

Teka Bếp từ đôi DS3502-P 3500W

Gọi 19002628 để được giảm thêm Siêu khuyến mãi
Giá Kinh Hoàng Tại SHOP
4.900.000đ
Quà tặng trị giá 11.000.000đ

Hoàn tiền gấp đôi nếu đâu Rẻ hơn

Philips Bàn ủi GC482 1600W

Siêu khuyến mãi
Giá Kinh Hoàng Tại SHOP
1.999.000đ

Hoàn tiền gấp đôi nếu đâu Rẻ hơn

Siêu Thị Điện Máy - Nội Thất Chợ Lớn

Tải app Dienmaycholon

Tải app theo dõi thông tin đơn hàng và hàng ngàn voucher giảm giá dành cho bạn.

banner-app
app_storeapp_store

Tin nổi bật