Tác giả: Chúc LinhNgày cập nhật: 05/04/202522Tác giả: Chúc Linh14874
Ngày nay khi đi xin việc, việc chuẩn bị trước CV để nộp cho các nhà tuyển dụng là điều tất yếu. Vậy CV là gì và cần phải lưu ý gì khi viết CV? Hãy cùng Siêu Thị Điện Máy - Nội Thất Chợ Lớn tìm hiểu tất tần tật trong bài viết hôm nay.
CV là gì và vì sao phải nộp CV khi đi phỏng vấn
1. CV là gì?
CV là cụm từ viết tắt của "Curriculum Vitae" và được hiểu là bản lý lịch ngắn gọn (1 - 2 trang) để gửi cho nhà tuyển dụng. Nội dung của CV là một bản tóm tắt về kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn, kỹ năng mềm,... phục vụ cho công việc. Một bản CV càng chỉn chu, chuyên nghiệp và được đầu tư về mặt hình thức sẽ để lại ấn tượng ban đầu cho nhà tuyển dụng.
CV là cụm từ viết tắt của Curriculum Vitae
2. CV bao gồm những nội dung nào?
Bên cạnh việc đầu tư cho hình thức, bạn cũng cần quan tâm đến nội dung của CV. Tùy theo từng mẫu CV mà nội dung sẽ khác nhau nhưng nhìn chung một mẫu CV cơ bản sẽ bao gồm:
Thông tin cá nhân
Thông tin cá nhân là phần không thể thiếu trong CV. Nhờ vào mục này, nhà tuyển dụng sẽ biết bạn là ai và phương thức liên lạc như thế nào. Phần thông tin cá nhân sẽ bao gồm các nội dung: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, giới tính, địa chỉ thường trú, email. Đừng quên trình bày ngắn gọn các thông tin cá nhân cơ bản để nhà tuyển dụng dễ dàng liên lạc với bạn hơn.
Thông tin cá nhân là mục không thể thiếu trong CV
Mục tiêu nghề nghiệp
Mục tiêu nghề nghiệp chính là những định hướng công việc của bạn trong tương lai, những mục tiêu mà bạn cần phấn đấu để đạt được. Ở phần này, bạn nên trình bày trong khoảng 3 - 5 dòng và bên cạnh việc nêu ra mục tiêu, bạn cũng cần chỉ rõ kế hoạch mà bạn muốn làm để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Ví dụ nếu bạn muốn ứng tuyển vào vị trí Nhân viên Marketing, bạn có thể tham khảo cách trình bày như sau: "Mục tiêu nghề nghiệp của tôi là trở thành một chuyên viên marketing sáng tạo và hiệu quả, từ đó đóng góp vào sự phát triển thương hiệu của công ty. Với nền tảng kiến thức về Digital Marketing và kỹ năng phân tích dữ liệu, tôi mong muốn áp dụng kinh nghiệm để xây dựng các chiến dịch quảng cáo cốt lõi tại [Tên công ty]. Trong tương lai, tôi hướng đến việc phát triển thành một chuyên gia chiến lược Marketing toàn diện."
Chú ý đến mục tiêu nghề nghiệp khi viết CV
Trình độ học vấn
Mục Trình độ học vấn trong CV sẽ giúp nhà tuyển dụng biết được mức độ kiến thức chuyên môn thông qua chuyên ngành học của bạn. Đây cũng chính là cơ sở để họ đánh giá bạn có phù hợp với yêu cầu tuyển dụng mà công ty đặt ra hay không.
Các nội dung có trong mục Trình độ học vấn bao gồm: Tên trường học, năm học, tên bằng cấp, loại bằng cấp. Lưu ý bạn nên liệt kê trình độ học vấn từ cấp Cao đẳng/ Đại học trở lên và có thể thêm vào các khóa học đã học ở trung tâm.
Kinh nghiệm làm việc
Kinh nghiệm làm việc là mục quan trọng giúp nhà tuyển dụng đánh giá được kinh nghiệm thực tế và tiềm năng cho vị trí mà họ đang tuyển dụng. Bạn cần trình bày kinh nghiệm làm việc ngắn gọn nhưng đầy đủ để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Điền đầy đủ trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc trong CV
Các nội dung Kinh nghiệm làm việc mà bạn phải trình bày là Tên công ty, thời gian làm việc, vị trí, mô tả chi tiết công việc và thành tựu nổi bật nếu có. Lưu ý, bạn chỉ nên viết các công việc có liên quan đến vị trí ứng tuyển và cần sắp xếp theo trình tự thời gian ngược, tức công việc nào làm gần nhất thì để lên đầu.
Kỹ năng liên quan
Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, bạn cũng cần trình bày đến kỹ năng có liên quan để hoàn thành tốt công việc. Các kỹ năng đó có thể là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phản biện, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng tin học văn phòng,...
3. Tại sao phải tạo CV khi xin việc?
Thông qua CV, nhà tuyển dụng có thể đánh giá sơ bộ bạn có phù hợp với vị trí mà công ty đang tìm kiếm hay không. Đây cũng là cơ sở để nhà tuyển dụng loại những ứng viên không phù hợp trước vòng phỏng vấn. Ngoài ra khi nhận được lịch hẹn phỏng vấn, việc chủ động in sẵn CV để nộp cho nhà tuyển dụng cũng là bí quyết giúp bạn ghi điểm trong lần gặp đầu tiên.
Tại sao phải tạo CV khi xin việc
4. Những lưu ý khi viết CV
Khi viết một mẫu CV bất kỳ, bạn cần phải lưu ý một số vấn đề sau:
Trình bày ngắn gọn, thiết kế tối giản và điền đầy đủ nội dung cần thiết. Một sai lầm mà bạn hay mắc phải là viết CV quá dài để cố nhồi nhét thông tin. Vì các nhà tuyển dụng không có quá nhiều thời gian đọc CV nên bạn cần phải lưu ý.
Đưa từ khóa yêu cầu công việc để đảm bảo tính phù hợp với vị trí mà bạn đang ứng tuyển.
Chú ý định dạng khi gửi CV online, định dạng lý tưởng là PDF để đảm bảo không xảy ra lỗi hiển thị.
Đừng quên kiểm tra lỗi chính tả và ngữ pháp trước khi gửi CV.
Hy vọng với những chia sẻ mà Siêu Thị Điện Máy - Nội Thất Chợ Lớn mang đến trong bài viết hôm nay, bạn sẽ giải đáp được CV là gì. Trình bày CV chỉn chu, chuyên nghiệp ngay hôm nay để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng và nhanh chóng tìm được công việc mơ ước.