Tiết kiệm tiền điện mỗi tháng là điều mỗi gia đình đều mong muốn thực hiện. Tuy nhiên, có một vài thói quen tưởng chừng như vô hại nhưng sẽ làm hóa đơn tiền điện của gia đình bạn tăng đột biến mà bạn không hề hay biết. Hãy cùng tham khảo và khắc phục ngay nhưng thói quen này bạn nhé.
Không rút điện cục sạc pin dù không sử dụng
Đây là thói quen của đa số người dùng cục sạc pin điện thoại, cục sạc pin máy tính v.v... Người dùng không rút cục sạc ra khỏi nguồn điện mặc dù không xài, vì nghĩ rằng cục sạc là thiết bị nhỏ sẽ không tiêu tốn bao nhiêu điện. Nhưng nếu bạn luôn cắm chúng trong ổ điện 24/24 từ ngày này qua ngày khác, cục sạc sẽ tiêu tốn một lượng điện đáng kể đấy.
Không rút điện cục sạc pin khi không sử dụng sẽ gây lãng phí điện năng.
Duy trì hoạt động của các thiết bị điện tử ở chế độ chờ
Nhiều người thường có thói quen để một số thiết bị điện tử như tivi, laptop... ở chế độ chờ khi có việc bận. Chẳng hạn, bạn đang xem dở một bộ phim và có việc đi ra ngoài, bạn chuyển tivi sang chế độ chờ để không làm mất đi những chương trình đang xem. Việc không tắt các thiết bị điện tử mà chuyển sang chế độ chờ sẽ làm tăng hóa đơn tiền điện nhà bạn. Dù ở chế độ chờ nhưng thiết bị điện tử vẫn tiêu thụ điện năng. Vì vậy, bạn nên tắt hết các thiết bị điện tử khi không sử dụng chúng từ khoảng 15 phút trở lên.
Bật máy nước nóng liên tục
Hiện nay, đa số các gia đình đều sử dụng máy nước nóng và thường bật điện máy nước nóng suốt ngày trong quá trình sử dụng, với mục đích có nước nóng dùng bất cứ lúc nào. Nhưng thói quen đó sẽ khiến lượng điện tiêu thụ của nhà bạn tăng lên đột biến. Các chuyên gia khuyên người dùng chỉ nên bật điện máy nước nóng khoảng 10-20 phút trước khi sử dụng và ngắt điện khi không sử dụng máy, sẽ giúp bạn tiết kiệm điện năng và phòng tránh cháy nổ máy nước nóng vì hoạt động quá công suất.
Bật máy nước nóng liên tục khiến máy hoạt động quá công suất.
Sử dụng điều hòa không hợp lý
Một số gia đình có thói quen mở điều hòa cả ngày. Thói quen này khiến điện năng tiêu thụ của gia đình bạn tăng lên và cực kỳ hại cho sức khỏe. Các chuyên gia về sức khỏe khuyên người dùng chỉ nên sử dụng điều hòa 2 tiếng trong một ngày.
Không sử dụng điều hòa cả ngày.
Tắt, mở điều hòa nhiều lần liên tiếp
Nhiều người thường lầm tưởng rằng cứ đi ra khỏi phòng trong chốc lát là tắt điều hòa rồi khi đi vào mở điều hòa lại sẽ tiết kiệm điện. Nhưng đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Nếu điều hòa bị tắt mở nhiều lần liên tiếp sẽ khiến chúng phải khởi động lại nhiều lần và hao phí một lượng lớn điện năng tiêu thụ cho việc làm lạnh. Ngoài ra, tắt mở điều hòa liên tục sẽ làm thiết bị mau hỏng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người vì nhiệt độ thay đổi thường xuyên khiến cơ thể không thích ứng được.
Mở điều hòa ở nhiệt độ quá thấp trong thời gian dài
Khi nhiệt độ của điều hòa luôn được điều chỉnh ở mức thấp (16-20 độ C), điều hòa sẽ phải hoạt động với công suất lớn để đạt được mức nhiệt độ đã định. Nếu tình trạng này kéo dài, điều hòa sẽ tiêu thụ một lượng điện năng lớn, khiến hóa đơn tiền điện gia đình bạn tăng cao. Vì vậy, bạn chỉ nên duy trì nhiệt độ điều hòa ở mức vừa phải (25-27 độ C) khi sử dụng.
Chứa thức ăn quá ít hoặc quá nhiều trong tủ lạnh
Có những khi thức ăn trong tủ lạnh quá ít, khoảng trống trong tủ quá nhiều, làm tủ phải chạy với công suất lớn để duy trì nhiệt độ ổn định. Tương tự như vậy, khi tủ lạnh chứa quá nhiều thức ăn, sự lưu thông khí lạnh bị ngăn cản, tủ cũng phải hoạt động với công suất lớn hơn để làm lạnh, sẽ gây tốn điện. Nên khi mua tủ lạnh, bạn hãy mua loại tủ có kích cỡ, dung tích phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình mình.
Cho quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh khiến tủ lạnh hoạt động quá công suất.
Cho đồ ăn còn nóng vào tủ lạnh
Các bà nội trợ có đôi khi vì đang vội nên đã cho đồ ăn còn nóng vào tủ lạnh. Khi đồ ăn tỏa ra hơi nóng, nhiệt độ trong tủ lạnh tăng lên, máy nén tủ lạnh sẽ phải hoạt động nhiều hơn để nhiệt độ trong tủ giảm xuống, từ đó gây lãng phí điện năng. Bạn chỉ nên cho thức ăn đã nguội vào tủ lạnh bảo quản.
Cho quá nhiều quần áo vào máy giặt
Mọi người thường có thói quen giặt đồ sau một tuần làm việc bận rộn. Nhưng nếu cứ dồn quần áo vào cuối tuần mới giặt, lượng quần áo cho vào máy giặt quá nhiều sẽ khiến máy giặt hoạt động với công suất lớn. Đôi khi, máy giặt xảy ra tình trạng quá tải làm lượng điện tiêu thụ tăng cao, đồng thời độ bền của máy giặt giảm xuống nhanh chóng.
Không cho quá nhiều quần áo vào máy giặt.