Mâm cỗ ngày Tết là nơi hội tụ tinh hoa của ẩm thực Việt, những món ăn đặc sắc, ngon miệng chứa đựng những ý nghĩa rất riêng. Nếu bạn chưa biết các món ăn ngày Tết của người Việt là gì thì đừng bỏ qua danh sách món ngon trong bài viết dưới đây.
Thông thường, trong các mâm cơm ngày Tết miền Bắc không thể thiếu món bánh chưng - loại bánh truyền thống có lịch sử lâu đời, gắn liền với tinh hoa ẩm thực Việt Nam. Theo sự tích “bánh chưng, bánh dày”, bánh chưng là biểu tượng cho đất, thể hiện sự biết ơn của hoàng tử Lang Liêu đến vua Hùng thứ 16. Bên cạnh đó, bánh chưng trong tín ngưỡng xưa còn là lòng thành kính của người dân đối với đất trời khi giúp mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Mỗi độ xuân về, mọi người quây quần bên nhau gói rồi canh lửa nấu bánh chưng trong thời tiết se lạnh mang đến khung cảnh ấm cúng, tuyệt đẹp. Khi bánh chưng chín, bạn sẽ ngửi thấy hương thơm quyến rũ của lá dong, mở ra lớp vỏ là phần bánh với hương vị dẻo mịn của gạo nếp. Phần nhân là sự hòa quyện của đậu xanh béo bùi, cùng thịt mỡ béo ngậy thêm một chút vị cay nhẹ của hạt tiêu khiến người ăn phải mê mẩn.
Bánh chưng là món ăn truyền thống tượng trưng cho lời chúc may mắn và cầu mong sự sung túc trong năm mới.
Bánh tét là món ăn luôn có trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung và miền Nam. Nếu miền Bắc gói bánh chưng bằng lá dong thì miền Nam gói bánh tét bằng lá chuối. Các nguyên liệu gói bánh tét cũng khá tương tự như bánh chưng gồm gạo nếp, đậu xanh, thịt heo, tuy nhiên tại miền Tây Nam Bộ, bánh tét còn được làm nhân ngọt như chuối, đậu xanh, dừa,...
Để gói bánh tét đòi hỏi người làm phải có tay nghề giúp bánh có hình trụ, tròn khi nấu lên đầy đặn, không bị vỡ. Chính nhờ vào hình dáng độc đáo mà từ xưa bánh tét mang ý nghĩa là sự hội tụ của đất trời, tượng trưng cho sự ấm no và đủ đầy.
Dưa hành (hay còn gọi hành muối chua) là món ăn dân dã với cách làm đơn giản nhưng lại mang hương vị kích thích vị giác. Món ăn là sự kết hợp tuyệt vời giữa vị chua cay đặc trưng của dấm và ớt, kết hợp cùng hương thơm của hành. Chính vì thế, trong mâm cỗ người Bắc, bên cạnh các món ăn ngày Tết phong phú không thể thiếu món dưa hành ăn kèm vừa giữ hồn trong ẩm thực truyền thống, vừa giúp tăng vị ngon cho bữa cơm gia đình chống ngán hiệu quả.
Dưa hành ngày xuân không chỉ là món ăn kèm với bánh chưng cực ngon mà có thể kết hợp với thịt luộc, giò chả,...
Củ kiệu có mùi thơm đặc trưng được ngâm chua ngọt theo công thức “bí truyền” tạo nên hương vị thơm ngon khó cưỡng. Củ kiệu sau khi ngâm cho ra chén thêm một ít đường, nước mắm, tỏi ớt tạo nên món ăn kèm với trọn vị giòn, hăng, mặn, ngọt, chua, cay hài hòa ăn kèm với bánh chưng, bánh tét nóng hổi hay tôm khô thì còn gì bằng.
Theo quan niệm xưa, gà đại diện cho sự may mắn, khởi đầu của một năm mới thuận lợi. Do vậy, từ Bắc chí Nam, món gà luộc chỉ dùng để tiếp đãi khách trong những dịp lễ quan trọng như đám cưới, đám hỏi, tân gia, tất niên,... Đặc biệt, trong mỗi mâm cỗ ngày Tết của gia đình Việt không thể thiếu đĩa thịt gà luộc vàng ươm, căng bóng, thịt ngọt dai chấm cùng với chén muối tiêu chanh thì ngon hết sẩy.
Món ngon ngày Tết bạn không nên bỏ qua đó là thịt gà luộc với lớp da vàng ươm, thịt chắc, dai ngọt.
Thịt kho nước dừa (thịt kho tàu) là món ăn ngày Tết đặc trưng của người miền Nam, đặc biệt là miền Tây Nam Bộ. Món ăn này là sự kết hợp của thịt heo, nước dừa, hột vịt được kho trong nhiều giờ đến khi có màu vàng đậm, bắt mắt. Mỗi độ 30 Tết, người dân bắt đầu nấu nồi thịt kho thật lớn với phần thịt heo mềm rục, nước dùng đậm đà ăn cùng với cơm nóng và củ kiệu ngâm cực bắt vị.
Không chỉ là món ăn ngon miệng, thịt kho tàu còn mang biểu tượng cân bằng âm dương với miếng thịt to, vuông vức cùng trứng vịt trong, đều. Chưa kể, trứng vịt còn có ý nghĩa cho sự sung túc, sinh sôi mong năm mới an khang, con cháu đầy đủ.
Thịt đông được làm từ thịt heo, thịt gà, chân giò, nấm tai mèo, cà rốt,... được đem đi ninh nhừ qua một đêm, để đông lại là hoàn thành. Món thịt nấu đông có vị ngọt, đậm đà, mềm mịn cùng lớp ngoài trong veo bao bọc phần nhân đầy màu sắc bên trong - tất cả như đại diện cho sự rực rỡ, thành công trong năm mới. Để thưởng thức trọn vị ngon của món ăn này, bạn nên kết hợp cùng với cơm nóng, dưa hành và tận hưởng tiết trời se lạnh của mùa xuân miền Bắc nhé!
Chả giò là món ăn truyền thống nổi tiếng trong ẩm thực Việt, chính vì thế, đây đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của các gia đình. Những chiếc nem rán vàng rộm, nóng hổi với phần nhân bên trong đậm đà được hòa quyện thịt lợn, mộc nhĩ, bún khô, nấm hương, cà rốt,... cuốn cùng với rau xanh chấm trong chén nước mắm chua ngọt cực ngon miệng.
Mâm cỗ ngày Tết thêm trọn vẹn với món chả giò vàng óng, giòn rụm thơm ngon.
Lạp xưởng thơm ngon phải được làm bằng thủ công, với các nguyên liệu như thịt nạc, mỡ heo, trộn rượu và đường đem đi xay nhuyễn rồi nhồi vào phần ruột heo đã sơ chế kỹ để lên men và khô tự nhiên. Miếng lạp xưởng hoàn thành có màu đỏ bắt mắt, vị ngọt tự nhiên cùng hương thơm đặc trưng thường được ăn chung với bánh tét hoặc nướng lên đều ngon.
Đặc biệt, ăn lạp xưởng vào ngày Tết mang ý nghĩa may mắn, cát tường bởi lạp xưởng có màu đỏ bắt mắt xếp lên đĩa đẹp tựa như bông hoa đỏ nở rộ. Ngoài ra, nhiều người cho rằng bởi vì lạp xưởng được xâu thành dây dài tựa như một xâu tiền đỏ nên sẽ mang đến vận khí và tài lộc cho người ăn.
Canh khổ qua nhồi thịt là món ăn được nhiều gia đình yêu thích vào mỗi dịp Tết đến, bởi nó mang ý nghĩa xua đi những điều “khổ” trong năm cũ để đón năm mới bình an, hạnh phúc. Món ăn được chế biến khá đơn giản khi thịt heo xay nhuyễn trộn cùng với mộc nhĩ, gia vị, tiêu nhồi trong trái khổ qua, sau đó được đem đi nấu trong nhiều giờ đến khi khổ qua mềm là có thể thưởng thức.
Bên cạnh mang nhiều ý nghĩa tốt lành, hương vị thơm ngon, canh khổ qua còn là món ăn tốt cho sức khỏe khi có tính hàn, vị đắng giúp thanh nhiệt gan, nhuận tràng, hỗ trợ tiêu hóa và làm đẹp da.
Canh bóng bì lợn hay còn được gọi là canh bóng thập cẩm, canh bóng thả với nguyên liệu chính gồm bóng bì, giò sống, nấm hương, bông cải xanh,... Tất cả được nấu chung với nhau tạo nên hương vị ngọt thanh, phần bóng bì mềm dai, giò sống giòn sựt, thơm béo cùng rau củ tươi mát giúp mâm cơm ngày Tết miền Bắc thêm trọn vẹn.
Khác với món canh khổ qua nhồi thịt của người miền Nam, canh bóng bì lợn được chế biến cầu kỳ hơn, mùi vị phong phú, đậm đà thích hợp với tiết trời mùa đông khô hanh của miền Bắc Bộ.
Khi nhắc đến các món ăn ngày Tết Cổ Truyền, bạn không nên bỏ lỡ món canh măng hấp dẫn. Được biết, canh măng thường được nấu từ măng tươi (măng khô, măng chua,...) cùng với xương hoặc chân giò heo trong nhiều giờ với hương vị đậm đà, hậu vị ngọt nơi đầu lưỡi giúp kích thích vị giác hoàn hảo.
Canh măng không chỉ ăn cùng cơm nóng cực ngon miệng mà còn có thể ăn cùng bún tươi giúp phong phú món ăn cho ngày Tết của gia đình.
Canh măng nấu cùng với giò heo, nấm hương có vị ngọt thanh, béo ngậy cùng mùi thơm đặc trưng của măng.
Giò lụa (hay có tên khác là chả lụa) có màu trắng hồng bắt mắt, bề mặt mịn màng thường được làm bằng thịt heo xay nhuyễn, khi ăn có độ dai và ngọt tự nhiên. Những ngày Tết, giò lụa có thể được mang lên tiếp đãi khách đến thăm nhà hoặc bày biện cho bữa cơm xuân đủ đầy. Đặc biệt, chả lụa có thể ăn cùng với cơm trắng, cuốn bánh tráng hoặc làm bún nước mắm đều rất ngon miệng.
Chả bò có màu đỏ thể hiện cho sự may mắn và tràn đầy niềm vui, chính vì vậy trên bàn tiệc Tết người dân miền Trung thường tiếp đãi khách những khoanh chả bò thơm ngon. Cùng với đó, món ngon ngày Tết này còn có hương vị cuốn hút với vị mặn, ngọt, dai hòa quyện cùng mùi thơm nồng của tỏi, tiêu đen khiến ai ăn cũng thích.
Nem chua vừa là món ăn nhâm nhi ngon tuyệt, vừa có thể dùng làm quà biếu trong dịp Tết của người dân miền Trung. Món ăn này được làm từ thịt heo tươi tẩm ướp gia vị vừa ăn, sau đó gói trong lá ổi và để lên men tự nhiên. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị chua thanh, ngọt ngọt của thịt, cay nhẹ của ớt và hương thơm của lá ổi, tỏi tươi độc đáo
Trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung không thể thiếu món nem chua ngọt, cay nồng cực bắt vị.
Chè kho là món ăn có mặt trong mâm cơm ngày Tết miền Bắc thường được dùng để dâng lên bàn thờ gia tiên. Mỗi mùng 1 đầu năm, việc nấu và ăn món chè kho vàng óng mang ý nghĩa cầu mong năm mới may mắn, bình an. Chè kho có vị ngọt thanh, thơm béo, bùi bùi của đậu xanh, nước cốt dừa và dừa sợi nhâm nhi cùng với chén trà nóng, thanh mát thì còn gì sánh bằng.
Trong quan niệm dân gian, xôi gấc có màu đỏ mang ý nghĩa của sự may mắn, thịnh vượng và đại diện cho tình yêu đôi lứa. Do đó, vào mỗi dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán, đám cưới, ngày rằm,... mỗi gia đình sẽ chuẩn bị một đĩa xôi gấc thơm phức.
Xôi gấc được nấu từ gạo nếp và thịt của quả gấc trộn đều và đem đi nấu trong nhiều giờ. Sau khi chín, xôi gấc có màu đỏ tự nhiên, dẻo mịn của gạo nếp, beo béo của nước cốt dừa, hương thơm đặc trưng và bổ dưỡng (giàu vitamin A) của gấc.
Bánh in là món ăn phổ biến trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung được tạo thành nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau. Bánh được làm từ loại bột truyền thống, bên trong có thể là nhân đậu đỏ, muối đậu phộng,... được in bằng khuôn với nhiều hình ảnh có ý nghĩa tốt lành như mâm ngũ quả, cá chép, hao mai,... Chính vì vậy, bánh in vừa là món ăn vặt được nhiều trẻ em yêu thích, vừa cầu chúc năm mới với nhiều điều tốt đẹp.
Bánh ít lá gai là món ăn truyền thống, mang ý nghĩa đặc biệt chứa đựng hồn quê, nét đẹp ẩm thực của miền quê Việt Nam từ xưa đến nay. Theo đó, đây là món ăn đặc trưng của vùng đất Bình Định tượng trưng cho sự khéo léo của người phụ nữ, sự hiếu thảo của con cái đối với ông bà, cha mẹ và lòng thủy chung son sắt vợ chồng. Chính vì thế, món ăn này được người dân miền Trung tiếp đãi trong các dịp lễ quan trọng, trong đó có ngày Tết Nguyên Đán.
Để tạo nên món bánh ít lá gai ngon đúng điệu, đòi hỏi người làm cần có nhiều kinh nghiệm từ khâu trộn bột nếp với lá gai, làm nhân bánh (đậu xanh, dừa) đến nặn bánh đều đẹp. Khi thưởng thức món bánh này, bạn sẽ cảm nhận được độ dẻo thơm của lớp vỏ kết hợp cùng nhân bánh ngọt ngào, bùi béo.
Bánh ít lá gai là món ăn ngày Tết bạn không thể bỏ qua khi du xuân tại vùng đất miền Trung đôn hậu.
Xôi vò cùng với đậu xanh là món ăn dân dã phổ biến trong các ngày lễ Tết, rằm, đám tiệc,... Món ăn này vừa có thể dâng cúng ông bà, tổ tiên, vừa là món ăn chơi cùng bát chè hoa cau ngọt thanh, mát lành. Đặc biệt, xôi vò là món ăn có thể nấu bằng nhiều cách khác nhau và không quá phức tạp. Điểm đặc biệt của món ăn này là hạt xôi không dính vào nhau mà rời mọng, tơi ráo, bên ngoài áo một lớp màu vàng bóng bẩy trông giống như những hạt gạo vàng ươm mang ý nghĩa cho mùa màng bội thu, cuộc sống đầy đủ.
Như vậy, bài viết này đã giới thiệu đến bạn danh sách các món ăn ngày Tết Cổ Truyền Việt Nam hấp dẫn, ngon miệng. Hy vọng rằng những thông tin này có thể giúp bạn tìm kiếm được các món ăn đặc sắc, phù hợp chuẩn bị cho dịp Tết sắp đến.
Đặc biệt, để chế biến nên những món ngon cho mâm cỗ ngày Tết trọn vẹn, sung túc, bạn đừng quên sắm sửa các dụng cụ nhà bếp chất lượng tại Điện Máy Chợ Lớn. Hiện nay, Siêu thị Điện máy - Nội thất Chợ Lớn có nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn cho các đồ dùng nhà bếp như nồi chiên - nồi nướng, nồi áp suất, dụng cụ nấu ăn, nồi lẩu điện,... thuộc nhiều thương hiệu khác nhau. Hơn hết, các sản phẩm được bán với mức giá siêu ưu đãi cùng nhiều khuyến mãi cho quý khách thả ga mua sắm - vui vẻ đón xuân.
>> Đặt hàng ngay tại hệ thống siêu thị chính hãng của Điện Máy Chợ Lớn gần nhất (Xem chi tiết) hoặc truy cập https://dienmaycholon.com/ để đặt hàng trực tuyến tiện lợi!
Tải app theo dõi thông tin đơn hàng và hàng ngàn voucher giảm giá dành cho bạn.