Trong quá trình sử dụng tủ đông, người dùng nên vệ sinh định kỳ để tủ hoạt động hiệu quả và tránh phát sinh các loại vi khuẩn, nấm mốc gây hại cho sức khỏe con người. Bài viết này sẽ cung cấp đến bạn kinh nghiệm vệ sinh tủ đông đúng cách, nhanh chóng tại nhà.
1. Ngắt điện của tủ đông
Khi muốn vệ sinh tủ đông, bạn nên chú ý ngắt nguồn điện trước khi bắt đầu để tránh các trường hợp cháy, nổ, nguy hiểm cho chúng ta trong quá trình vệ sinh tủ.
Chú ý ngắt điện tủ đông trước khi vệ sinh.
2. Đảm bảo đã lấy hết các loại thực phẩm ra khỏi tủ đông
Để vệ sinh tủ đông được sạch sẽ và đảm bảo các loại thực phẩm không bị dính bẩn, bạn phải lấy hết các thực phẩm trong tủ ra rồi mới bắt đầu vệ sinh tủ. Trong quá trình lấy thực phẩm ra khỏi tủ, bạn cũng có thể thuận tiện sắp xếp, phân loại, kiểm tra lại loại thực phẩm nào sắp hết hạn, loại nào không sử dụng được nữa v.v...
3. Tháo khay kệ trong tủ ra
Việc tháo các khay kệ trong tủ đông ra sẽ giúp bạn vệ sinh tủ dễ dàng. Người dùng lưu ý sau khi tháo khay kệ, bạn nên mang chúng đi vệ sinh cho sạch sẽ bằng cách dùng nước rửa chén và miếng mút mềm lau sạch chúng. Ngoài ra, bạn có thể dùng nước ấm khi rửa để làm vết bẩn biến mất nhanh hơn. Sau khi rửa sạch khay kệ, bạn để chúng ở nơi khô ráo.
Tháo các khay kệ trong tủ ra.
4. Rã đông tủ
Sau khi đã lấy hết các khay kệ ra ngoài, bạn hãy để tủ trong trạng thái mở cửa khoảng 30 phút để tuyết đóng trong tủ tan hết, khiến quá trình vệ sinh dễ dàng hơn.
5. Vệ sinh lòng tủ đông
Bạn nên dùng một chiếc khăn khô và mềm hoặc miếng mút mềm có khả năng thấm hút tốt để lau sạch phía trong tủ đông. Vì trong lòng tủ thường xuyên ẩm ướt nếu bạn dùng khăn ướt sẽ khiến tủ càng ẩm ướt hơn. Bạn có thể sử dụng thêm xà phòng loãng để cọ rửa các chất bẩn. Nếu bạn ghét mùi hóa chất, bạn có thể dùng một ít giấm pha loãng với nước ấm để lau lòng tủ. Giấm có khả năng diệt vi khuẩn và khử mùi sẽ khiến tủ sạch hơn. Sau khi, dùng nước xà phòng hoặc giấm lau tủ, bạn nên lau tủ lại một lần nữa bằng nước sạch.
Bạn lưu ý vệ sinh kỹ phần cánh cửa và đệm cao su ở cửa tủ vì đây là vị trí nước đọng rất dễ bị bẩn. Ngoài ra, bạn tuyệt đối không nên dùng các chất tẩy rửa mạnh như thuốc tẩy hay sử dụng các loại bàn chải để vệ sinh tủ sẽ gây trầy xước tủ. Đặc biệt, người dùng không dùng nước nóng vệ sinh tủ sẽ làm hư hại tủ.
6. Vệ sinh phía ngoài tủ đông
Đối với bề mặt bên ngoài của tủ, bạn hãy dùng một miếng vải mềm thấm một ít dung dịch giấm và lau sạch tủ. Đối với những loại tủ đông có mặt kính, bạn dùng khăn giấy và nước chùi kính là được.
7. Vệ sinh lỗ thoát nước của tủ đông
Các tủ đông thường có lỗ thoát nước để lượng nước dư thừa trong tủ chảy ra ngoài. Bạn nên chú ý vệ sinh lỗ thoát nước của tủ để loại bỏ sạch các cặn bẩn đóng ở lỗ thoát nước gây tắc nghẽn, ảnh hưởng đến hoạt động của tủ.
Vệ sinh lỗ thoát nước của tủ đông.
8. Để tủ khô thoáng và lắp ráp khay kệ của tủ như ban đầu
Sau khi đã vệ sinh tủ xong, bạn mở cửa tủ khoảng 30 phút để tủ thông thoáng rồi lắp ráp các khay kệ lại như ban đầu, sau đó sắp xếp thực phẩm vào tủ và cắm điện, bật nguồn để tủ hoạt động bình thường.
Ngọc Kiều