Có phải bạn thắc mắc không biết nhựa BPA hay BPA Free là gì, mà thường được ký hiệu trên các sản phẩm hộp nhựa, bình nước, núm vú giả, bình sữa trẻ em,... Liệu rằng các loại nhựa này an toàn hay nguy hiểm cho sức khỏe? Cùng tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây.
1. BPA và nhựa BPA Free là gì?
Chất BPA là gì? Bisphenol A (viết tắt là BPA) là một hoạt chất thường có mặt trong bảng thành phần của sản phẩm thương mại, vật dùng để chứa thực phẩm hoặc đồ vệ sinh cá nhân. Ngoài ra, các nhà khoa học nhận thấy việc trộn BPA với những thành phần khác có thể làm gia tăng độ dẻo và chắc chắn của sản phẩm. Vì thế, các loại nhựa chứa BPA cũng được sử dụng để sản xuất ra bình bú, đồ chơi, núm vú giả cho trẻ em.
Vậy còn nhựa BPA Free là gì? Nhựa BPA Free hiểu đơn giản là loại nhựa không chứa chất BPA. Trong đó, các sản phẩm nhựa có đính nhãn “BPA Free” thường được khuyến khích sử dụng cho người mang thai, trẻ nhỏ,... Vì thế, nếu có thắc mắc nhựa BPA Free có an toàn không thì bạn hoàn toàn an tâm sử dụng, chỉ cần chọn sản phẩm có chứng nhận bởi cơ quan chức năng là được nhé!
2. Nhựa BPA có tốt không?
Sau khi biết khái niệm BPA là chất gì, chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc nhựa BPA (Bisphenol A) có tốt không? Thông thường, nhựa BPA thâm nhập vào cơ thể con người thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Cụ thể, BPA rất dễ hòa tan vào đồ uống và thức ăn, đặc biệt trong điều kiện nhiệt độ cao. Do đó, Bisphenol A sẽ nhiễm vào cơ thể khi con người sử dụng các hộp đựng thực phẩm, bình nước, bình sữa chứa BPA.
Thêm nữa, khi bạn sử dụng chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh hoặc đựng chanh/giấm (có tính axit) vào hộp nhựa cũng khiến chất BPA dễ dàng thâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, Bisphenol A có thể nhiễm qua bề mặt da hoặc không khí khi con người tiếp xúc trực tiếp với các vật dụng chứa hàm lượng lớn BPA như giấy in nhiệt, hóa đơn, vé máy bay,...
BPA trong các đồ dùng trên có thể nhiễm vào thức ăn, đặc biệt khi nung nóng hoặc cọ rửa với xà phòng chứa chất tẩy mạnh.
Vậy tác hại của nhựa BPA là gì? Sau khi xâm nhiễm vào cơ thể người, chất BPA có thể gây ra các hệ quả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, bao gồm:
- Ảnh hưởng đến sinh sản của nữ giới
Đối với nữ giới bị BPA xâm nhập vào cơ thể sẽ:
+ Tăng nguy cơ bị ung thư vú và đa nang buồng trứng.
+ Phụ nữ mang thai thường có dấu hiệu sinh non, nếu cơ thể chứa hàm lượng chất BPA cao hơn bình thường.
- Gây vô sinh ở nam giới
Chức năng sinh sản của nam giới cũng bị ảnh hưởng nếu cơ thể chứa hàm lượng BPA cao hơn bình thường:
+ Giảm khả năng sản xuất tinh trùng và nồng độ hormone Testosterone trong cơ thể.
Chất Bisphenol A có thể thâm nhập vào cơ thể trẻ nhỏ qua bình sữa bằng nhựa có chứa BPA, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe như:
+ Cân nặng nhẹ hơn những trẻ bình thường.
+ Tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, điển hình là khoảng cách từ cơ quan sinh dục đến hậu môn ngắn hơn bình thường.
+ Dễ bị tăng động, lo âu, trầm cảm và hay cáu gắt hơn bình thường.
+ Làm hỏng men răng của trẻ nhỏ, nếu kéo dài có thể làm khiến răng bị yếu hoặc sâu.
+ Có thể gặp các rối loạn như hội chứng Down, nếu mẹ có hàm lượng chất BPA cao hơn bình thường khi mang thai.
Nhựa BPA làm hỏng men răng của trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
3. Làm thế nào để giảm bớt sự ảnh hưởng của BPA?
Sau khi hiểu rõ BPA là gì và những hệ quả mà loại nhựa này gây ra, bạn cần biết cách giảm bớt sự ảnh hưởng của Bisphenol A trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Cụ thể, bạn cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chất nhựa BPA bằng cách:
3.1. Hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa chứa BPA
Khi mua hộp nhựa, bạn nên quan sát dãy ký hiệu phía dưới đáy hoặc in trên thân sản phẩm. Bạn nên lựa chọn các loại hộp nhựa có ký hiệu 1, 2 và 5 thay vì 3, 6, 7.
3.2. Không cho thực phẩm nóng vào hộp nhựa
Việc cho hộp nhựa BPA tiếp xúc với nhiệt độ cao như quay lò vi sóng hoặc đựng thực phẩm nóng sẽ làm phá vỡ cấu trúc của nhựa, từ đó giải phóng chất Bisphenol A thâm nhập vào cơ thể. Do đó, bạn nên lựa chọn các loại hộp bằng gốm, sứ, thủy tinh, thép không gỉ,... khi sử dụng để đựng thực phẩm nóng. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng các loại hộp nhựa PP khi dùng cho lò vi sóng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Nếu cần mua sản phẩm nhựa, bạn nên lựa chọn những thương hiệu uy tín được cấp đầy đủ chứng nhận tiêu chuẩn về ISO 9001 và HACCP.
Bạn nên lựa chọn đựng đồ ăn vào hộp thuỷ tinh thay vì hộp nhựa BPA để bảo vệ sức khoẻ.
Cách phân biệt sản phẩm BPA và BPA Free
Các sản phẩm nhựa polycarbonate chứa chất BPA thường khá cứng và trong suốt hơn bình thường. Bên cạnh đó, các sản phẩm làm từ nhựa polypropylene (BPA Free) nên sẽ mềm và đục hơn nhựa polycarbonate.
Ngoài ra, ký hiệu của sản phẩm BPA và BPA Free sẽ khác nhau như hình sau:
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã giải đáp được thắc mắc nhựa BPA, BPA Free là gì? Đồng thời, hiểu rõ về tính chất của mỗi loại hoạt chất, cũng như cách giảm bớt sự tác động đến sức khỏe từ nhựa BPA. Tốt nhất, để hạn chế rủi ro, mỗi người nên lựa chọn những sản phẩm nhựa đến từ thương hiệu uy tín, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt với trẻ em và phụ nữ mang thai, bạn nên ưu tiên chọn đồ dùng có nhãn “BPA Free” (không có BPA), nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.