Công nghệ QNED mà LG vừa giới thiệu tại sự liện CES 2021 là gì?
7,407Tác giả: Hoàng Hữu Phước4736
Tại sự kiện CES 2021 vừa qua, LG đã chính thức giới thiệu công nghệ màn hình QNED trên các dòng tivi LG QNED 8K và LG QNED 4K đến người tiêu dùng. Vậy công nghệ QNED mà LG vừa mới trình làng có khác biệt gì với công nghệ OLED và QLED không? Điện Máy - Nội Thất Chợ Lớn sẽ gửi đến các bạn những điểm mới mà nhà LG mang lại thông qua công nghệ QNED này nhé.
1. QNED là gì? Có gì nổi trội so với những công nghệ màn hình hiện nay?
Nếu như công nghệ màn hình QLED của Samsung sử dụng đèn nền LED thì công nghệ QNED của LG về bản chất cũng chính là một màn hình LCD sử dụng đèn nền LED tương tự. Nhưng điều đặc biệt ở đây là công nghệ QNED của LG sử dụng đèn nền có kích thước thuộc loại siêu nhỏ (Mini LED) giúp kiểm soát tối ưu nhất từng vùng chiếu sáng trên màn ảnh.
Cụ thể hơn, những mini LED này có khả năng bật/tắt hoặc tăng/giảm độ sáng của từng khu vực nhỏ trên màn hình tuỳ vào nội dung đang được hiển thị (còn gọi là local dimming) nên hình ảnh tạo ra sẽ có độ tương phản cực cao và độ sáng tối linh hoạt theo từng khung hình. Như vậy sẽ giúp cho người sử đụng có trải nghiệm tốt nhất.
Về cơ bản, một màn hình LCD với đèn nền LED thông thường sẽ sử dụng bóng đèn LED màu lam đã được phủ một lớp phốt-pho phát quang cường độ cao để tạo ánh sáng trắng. Sau đó, ánh sáng trắng này sẽ đi qua bộ lọc 3 màu đỏ, lục, lam để tạo nên hình ảnh có màu sắc bạn thường thấy trên màn hình.
Điểm hạn chế của công nghệ này là khả năng lọc màu sắc không cao nên màu sắc cho ra sẽ không được thuần khiết và tự nhiên như công nghệ OLED - dùng điốt hữu cơ phát quang giúp điểm ảnh tự bật/tắt khi có dòng điện chạy qua. Đồng thời, những vùng tương phản và sắc đen của khung hình cũng không thực sự tối ưu.
Chính vì vậy mà ở phiên bản QNED năm nay, LG đã khắc phục hầu hết những hạn chế ở trên.
LG cho biết rằng độ tương phản sẽ được cải thiện một cách đáng kể với công nghệ QNED, cụ thể hơn thì công nghệ này sẽ được sử dụng trên các phiên bản tivi 86 inch nên có đến 30.000 bóng đèn nền mini LED siêu nhỏ với mật độ dày đặc giúp tăng tỉ lệ tương phản lên đến 1.000.000:1 cùng số vùng sáng tối độc lập lên đến 2.500 vùng vô cùng ấn tượng.
Tivi LG QNED sử dụng công nghệ màn hình chấm lượng tử Quantum Dot nên hình ảnh hiển thị sẽ có dải màu rộng hơn cùng màu sắc chính xác và chân thực hơn. Do công nghệ này sẽ tạo nên tấm nền chấm lượng tử gồm những hạt màu sắc vô cùng nhỏ hoạt động tương tự như các bộ lọc màu với khả năng hiển thị màu dựa theo kích thước hạt
Mặc dù công nghệ chấm lượng tử đã được rất nhiều hãng tivi áp dụng vào sản phẩm của mình nhưng với mỗi hãng sẽ có cách gọi tên khác nhau, cụ thể như sau:
- Sony gọi công nghệ này là TRILUMINOS
- Samsung gọi là QLED
- Và LG là QNED
LG cũng đang sử dụng công nghệ này cho dòng tivi NanoCell của mình. Tuy nhiên, bóng đèn nền mini LED chính là điểm vượt trội của QNED giúp tối ưu khả năng hiển thị hơn những dòng sản phẩm đi trước.
2. Tại sao LG lại gọi là QNED?
Quantum Nanorod Emitting Diode chính là tên đầy đủ của công nghệ QNED, nó có nghĩa là điốt phát quang nhờ vào chấm lượng tử có kích thước siêu nhỏ. Như đã giải thích ở trên, QNED mặc dù sử dụng công nghệ chấm lượng tử (Quantum) như đa số dòng tivi khác, nhưng có khả năng tối ưu độ sáng và màu sắc hiển thị với độ tương phản vượt trội hơn nhờ vào những bóng đèn nền mini LED có kích thước siêu nhỏ (Nanorod Emitting Diode).
3. Khác biệt giữa QNED với OLED và QLED?
Tivi LG QNED và Tivi Samsung QLED đều có bản chất là màn hình LCD sử dụng đèn nền LED.
Cả 2 cũng đều sử dụng công nghệ màn hình chấm lượng tử Quantum Dot giúp tăng cường khả năng hiện thị màu sắc của từng điểm ảnh trên khung hình. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 công nghệ này chính là QNED sử dụng bóng đèn nền mini LED có kích thước siêu nhỏ giúp kiểm soát từng vùng sáng tối trên hình ảnh tối ưu hơn. Và đó cũng có thể xem là một lợi thế của LG đối với đối thủ của mình.
So với QNED, LG OLED không sử dụng màn hình LCD đèn nền LED mà sử dụng tấm nền hoàn toàn khác có các điốt hữu cơ phát quang (Organic Light Emitting Diode).
Những điốt này có khả năng tự phát sáng và bật tắt độc lập khi có dòng điện đi qua mà không cần đèn nền như QNED. Bởi vì bản thân mỗi điốt trên tấm OLED có thể tự phát sáng và điều chỉnh độ sáng như vậy nên màn hình OLED luôn có độ tương phản cao và sắc đen tuyệt đối khi điểm ảnh tắt hoàn toàn.
Đồng thời, do không sử dụng đèn nền nên OLED thường có kích thước khá mỏng và dễ uốn cong hơn. Tuy nhiên, giá thành của những dòng tivi OLED khá cao, công nghệ mini LED được sinh ra để mô phỏng lại khả năng này của dòng tivi OLED với mức giá phải chăng hơn.
Hãng LG đã tuyên bố rằng, công nghệ màn hình QNED mới này sẽ có nhiều điểm cải tiến đáng mong đợi và vượt trội hơn các mẫu OLED hàng đầu của hãng.
4. Những dòng sản phẩm nào sẽ được LG sử dụng công nghệ QNED?
Sẽ có 10 mẫu tivi được LG dự kiến áp dụng công nghệ QNED. Kích thước tối đa mà LG sẽ sử dụng với công nghệ này là 86 inch và độ phân giải lên đến 8K. Ở phiên bản cao cấp nhất được dự đoán sẽ có tên gọi QNED99 và những phiên bản khác sẽ là QNED95, QNED90,... cũng sẽ có độ phân giải 4K hoặc 8K.
Những dòng sản phẩm Tivi QNED của nhà LG hứa hẹn sẽ là đối thủ trực tiếp với TV QLED 6-Series và 8-Series của TCL, cũng như dòng MicroLED 110 inch sắp ra mắt trong thời gian tới của Samsung.